“TPHCM đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi. Người dân ở Long Thành không ở được mà lên Đắk Lắc, Lâm Đồng ở để phát triển kinh tế. Còn đất ở Long Thành họ bán, cán bộ ta mua hết rồi”,
Thượng tướng Lê Chiêm nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 27/10 về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thượng tướng Lê Chiêm. Ảnh Như Ý
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Quốc hội chỉ nên thống nhất về mặt chủ trương, còn triển khai cụ thể nên giao cho Chính phủ. Tướng Chiêm cho rằng, dự thảo chỉ vừa mới gửi cho đại biểu, mà những con số lại được điều chỉnh, nên rất khó.
Đáng lưu ý, theo Thượng tướng Lê Chiêm, an ninh quốc phòng phía sau dự án này sẽ vô cùng phức tạp. Chỉ một dự án nhỏ thôi mà đã để lại biết bao vấn đề, với dự án này cũng đẻ ra nhiều vấn đề.
“TPHCM đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi. Người dân ở Long Thành không ở được mà lên Đắk Lắk, Lâm Đồng ở để phát triển kinh tế. Còn đất ở Long Thành họ bán, cán bộ ta mua hết rồi”, Tướng Lê Chiêm cho biết, đồng thời đề nghị Quốc hội phải cân nhắc, việc này phải giao cho Chính phủ đứng ra chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân.
Thượng tướng Lê Chiêm cũng cho rằng, phải nghiên cứu lại quy trình, không nói qua nói lại mãi. Hiện mức chênh giá đền bù đã lên tới gần 50%.
“Ai chịu? Nhà nước chịu chứ ai chịu, nhân dân gánh chứ ai gánh”, Tướng Chiêm nói.
Toàn bán đi bán lại đất, cuối cùng chỉ toàn là đất của cán bộ mua cả
Cùng nhìn nhận, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng cho rằng, từ thực tế giải phóng mặt bằng dự án ở địa phương, toàn bán đi bán lại đất, cuối cùng chỉ toàn là đất của cán bộ mua cả.
Ông Vinh cũng lo ngại tình trạng này sẽ xảy ra tương tự ở dự án Sân bay Long Thành.
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng cho rằng, dự án Long Thành, Quốc hội chỉ nên dừng lại ở việc phê duyệt chủ trương, không nên bàn vấn đề cụ thể đề án, còn triển khai cụ thể thế nào, phải giao cho Chính phủ thực hiện và báo cáo Quốc hội.
Ông Hạ dẫn dụ với đường sắt metro số 1 TPHCM đang xảy ra vướng mắc về vốn đầu tư.
Trước đây dự án này chỉ có tổng mức đầu tư 17 nghìn tỷ, nên thuộc thẩm thẩm quyền của Chính phủ. Nhưng sau này lại điều chỉnh lên đến 47 nghìn tỷ, nên phải xin ý kiến Quốc hội, vì quy định mới dự án quá 10 nghìn tỷ phải xin ý kiến Quốc hội.
“Bây giờ chả lẽ Quốc hội lại phê duyệt lại dự án khi dự án này đã làm được mấy chục phần trăm? Giờ dự án phải báo cáo Quốc hội để giám sát hay để xem xét quyết định? Tôi hiểu là báo cáo để giám sát.
Chúng ta chỉ nên dừng lại ở mức phê duyệt chủ trương, tách ra thành dự án thành phần, còn Chính phủ thực hiện thế nào phải báo cáo để Quốc hội theo dõi, giám sát. Nếu không, lúc dự án triển khai vướng mắc, lúc đó lại bảo Quốc hội thông qua à? Quốc hội đã cho chúng em làm à?
Phải làm rõ khái niệm, vì ngoài Long Thành còn nhiều dự án khác”, ông Hạ cho hay.
Nguồn: LUÂN DŨNG - báo điện tử Tiền Phong