"Jack Ma chỉ là một đại diện cho làn sóng công nghệ mới. Chỉ là không phải Việt Nam làm thì Jack Ma sẽ làm".
Đó là ý kiến của PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam với báo chí trước thềm Hội thảo Khoa học “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy”, được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức ngày 15/11.
Jack Ma – tỷ phú giàu nhất Trung Quốc
"Ta bí đến mức phải thay cả hệ thống”
Chia sẻ cụ thể hơn, theo ông Thiên, câu chuyện ở đây được ông đặt ra là Việt Nam đang bàn động lực cho một nền kinh tế đang bị trì trệ nhưng trên nguyên lý cũ, còn đối với nền kinh tế mới đang vào thì như thế nào?.
Robot, công nghệ in 3D, kinh tế chia sẻ, hệ thống thanh toán điện tử…với khả năng biến đổi hoàn toàn cuộc chơi đang đặt ra hàng loạt câu hỏi, vấn đề cần phải giải quyết.
- “Vậy động lực nào để ta tiếp nhận.
- Chủ thể của chúng ta là gì?
- Doanh nghiệp Việt Nam có chân dung như thế thì phải làm như thế nào?
- Khởi nghiệp thì toàn cái li ti, chủ yếu là sáng kiến lập nghiệp nhiều hơn khởi nghiệp thì như nào?”
ông Thiên đặt câu hỏi.
Về giải pháp, ông nói: “Ta bí đến mức phải thay cả hệ thống”.
PGS.TS Trần Đình Thiên
Bởi như ông nhìn nhận, 5 – 7 năm nay tái cơ cấu được rất ít, khiến cho quá trình chuyển đổi kinh tế rất chậm chạp. Do vậy, cần phải có tinh thần, thái độ cũng như cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với vấn đề này.
Tăng trưởng chỉ bàn số lượng quên bàn chất lượng
Chỉ rõ thực trạng nền kinh tế hiện nay, theo vị chuyên gia trên, trong 10 tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế được xem là có điểm kỳ dị.
Quý I đạt rất thấp còn quý II, quý III nhảy vọt lên cao, hầu như gấp 1,5 lần gây nên sự nghi ngờ.
Cụ thể, không ít ý kiến cho rằng đây là ý chí của Chính phủ, quyết tâm đạt bằng được chứ còn từ lịch sử kinh nghiệm cho thấy từ 5,1% ở quý I lên đến 6,7% là hầu như không thể, nhất là trong điều kiện hiện tại của Việt Nam.
Theo ông Thiên nghi ngờ là đúng, cũng bởi giải ngân đầu tư công đang rất kém và thời gian đang rất gần kề về cuối, nếu có giải ngân được thì tăng trưởng cũng sẽ trượt qua năm khác.
Hay những ngành chủ lực xưa nay là động lực cho tăng trưởng như khai thác dầu mỏ, khoáng chất,… cũng đang giảm rất mạnh, trong khi đó, khu vực nội địa, DNNN nhiều chuyện lình xình thì “hỏi đâu ra tăng trưởng ghê gớm như vậy”.
Tại hội thảo lần này, các chuyên gia sẽ cùng nhau giải thích điểm kỳ lạ này, dù chỉ là một phần, bởi đây chưa phải là trọng tâm. Trọng tâm chính là nằm ở cách bấy lâu nay chúng ta đặt vấn đề về tăng trưởng: chỉ bàn về số lượng là không bàn nhiều về chất lượng.
Tư duy này là ngắn hạn, nên cần thay lượng bằng chất, làm sao để tập trung về phía chất lượng, cơ cấu, thể chế thì động lực tăng trưởng mới có ý nghĩa. Theo vị chuyên gia kinh tế này, điều quan trọng là vẫn tiếp tục tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế.
Mô hình kinh tế chưa thể chuyển sang chiều sâu
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, chất lượng tăng trưởng kinh tế thời gian qua là tích cực, thể hiện ở 10 chỉ tiêu mà UNDP đánh giá cao Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng do nhiều điểm nghẽn khác nhau.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “mô hình kinh tế chưa thể chuyển sang chiều sâu nhanh được”.
Và theo nhiều thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các điểm nghẽn này bao gồm các vấn đề như cấp phép kinh doanh, chính sách thuế, rủi ro vĩ mô, các quy định về thực thi hợp đồng, chính sách đất đai, những yếu kém về hạ tầng…
Cùng với đó là những vấn đề như nguồn lực con người, những yếu kém của hệ thống ngân hàng và hiệu quả của bộ máy hành chính…
Mã Vân, các triết lý của ông rất sâu sắc, và đậm chất hài hước
Ông chủ Alibaba là Jack Ma - Mã Vân, từng nhiều lần thất bại trước khi lập nên Alibaba.
Hiện Jack đang là người giàu nhất nhì châu Á cũng như Trung Quốc khi sở hữu khối tài sản trị giá 41,8 tỷ USD (tính đến đầu năm 2017).
Sơn Ca (Tổng hợp)
BÁO ĐẤT VIỆT