Thẻ giảng dạy của ông Hải được các trường cấp.
Những ngày qua, dư luận xôn xao việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả làm giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học, thậm chí suýt trở thành trưởng khoa của Trường CĐ Công Thương. Khi Trường CĐ Công Thương xác minh văn bằng của ông Hải để bổ nhiệm, việc dùng bằng tiến sĩ giả của ông này mới bị khui ra.
Nắm bắt xu hướng ngành hot đang thiếu giảng viên, bằng tiến sĩ giả của ông Hải ghi hẳn hoi ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm được cấp bằng 2022. Khoa học máy tính một ngành đang rất hot và rất cần nhân lực có trình độ cao hiện nay. Nhưng thực tế, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM không cấp văn bằng này cho ông Hải. Ông Hải cũng không là nghiên cứu sinh của trường này.
Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ “suýt” trở thành trưởng khoa, ông Hải đã từng làm giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường đại học, trong đó, có cả trường công và trường tư khá nổi tiếng. Câu hỏi đặt ra, tại sao một người dùng bằng tiến sĩ giả lại có thể qua mặt được nhiều đơn vị tuyển dụng của nhiều trường đại học?
Theo TS Lê Đông Phương, Nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, có một số lý do khiến ông Hải dùng bằng giả nhưng qua mặt được nhiều trường đại học, cao đẳng. Thứ nhất, vì các trường cụ thể là các đơn vị tuyển dụng, quá tin vào "công chứng" nên không thẩm định lại.
Thứ hai, những đơn vị, đặc biệt là các trường cao đẳng nghĩ rằng trình độ tiến sĩ vào dạy cao đẳng thì "khó có ai dùng bằng giả mà xin đi dạy". Tuy nhiên theo ông Phương, thực tế hiện nay hệ thống thông tin bằng cấp không minh bạch và thủ tục thẩm tra phức tạp, chưa số hóa nhiều gây khó cho các đơn vị tuyển dụng.
(Ảnh minh hoạ: Lê Huyền)
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên vụ trưởng, Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng sở dĩ dùng bằng tiến sĩ giả vẫn qua mặt được nhiều trường đại học, cao đẳng vì cách tuyển dụng không chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tồn tại suy nghĩ quan liêu rằng, cứ nghĩ tiến sĩ về công nghệ thông tin ở đại học có uy tín là có năng lực dạy học. “Đừng tưởng cái gì lấp lánh đều là vàng”, đây là hậu quả của bệnh sính bằng cấp trong tuyển dụng”- ông Vinh nói.
Chủ quan và sính bằng
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, khi làm hợp đồng thỉnh giảng, các trường đại học, cao đẳng sẽ chỉ căn cứ hồ sơ đương sự khai báo. Gần như các đơn vị chỉ chú ý lý lịch khoa học đã dạy ở trường nào, có bao nhiêu nghiên cứu, bằng cấp ra sao. Mặt khác, việc thỉnh giảng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nên không chú ý đến xác thực bằng cấp.
Sau mỗi học kỳ, sinh viên sẽ đánh giá đối với chất lượng giảng dạy của người thỉnh giảng. Nếu người dạy trình độ yếu, không ký tiếp hợp đồng. Chỉ khi ký hợp đồng chính thức, các đơn vị tuyển dụng mới xác thực văn bằng hồ sơ…
Thứ hai, đối với một số ngành, số người có chuyên môn đúng ngành rất ít, vì vậy cần khối lượng giảng viên thỉnh giảng rất nhiều, đặc biệt là các trường tư thục. Sự cần thiết của học phần bắt buộc họ phải lờ đi các yếu tố khác. Ông Dũng cho rằng, đối tượng làm bằng giả ở đây đã nắm bắt được ngành học đang cần nhân lực nên liều lĩnh làm bằng giả ngành Khoa học máy tính. Việc này gây thiệt thòi cho sinh viên phải học những tiết học chất lượng giảng dạy kém.
TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng, Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho rằng bản chất dẫn tới sự việc này là do sự chủ quan. Theo ông Thanh, đầu tiên, khi một đơn vị tuyển dụng nào đó muốn nhận một cá nhân nào đó thì phải kiểm tra kỹ lý lịch của người đó. Nếu tuyển dụng để bổ nhiệm các chức vụ, cán bộ quản lý càng phải kỹ lưỡng hơn. Việc tìm hiểu về quá trình đào tạo cũng như văn bằng, chứng chỉ thường được bộ phận nhân sự làm theo quy trình rà soát.
Quy trình này có những quy định rất cụ thể, đơn cử như văn bằng tốt nghiệp ở nước ngoài đã được kiểm định chưa hay văn bằng ở trong nước phải tra cứu hoặc gửi tra cứu… Điều này đảm bảo đơn vị tuyển dụng nắm được thông tin chính xác nhất về người được tuyển dụng. Nếu ở khâu này, đơn vị tuyển dụng không thực hiện hoặc bỏ qua, xem nhẹ, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả qua mắt rất dễ, vì lúc này chỉ phụ thuộc vào đơn vị sử dụng. Như vậy chỉ khi có vấn đề hoặc có một sự phát hiện nào khác mới biết được sự thực.
Theo ông Thanh, hiện nay, không ít trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp. Vì vậy, các đơn vị sử dụng nhân sự phải chủ động rà soát và nếu làm chặt chẽ, các đối tượng đến tuyển dụng sẽ phải e dè, không dám dùng hồ sơ giả.
Lãnh đạo một trường đại học khác thẳng thắn cho rằng việc dùng bằng tiến sĩ giả nhưng trở thành giảng viên thỉnh giảng ở một số trường là do những đơn vị này cần bằng chứ không cần người, chủ quan trong tuyển dụng.
Nguồn: VietnamNet