Tiếng violon trỗi lên nhẹ nhàng, bắt nhịp cho hàng chục con người xung quanh cất lên lời hát "Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng. Của núi sông hôm nay và mai sau...". Cao hứng, nhiều người cầm tay nhau nhảy múa.
Như thường lệ, khoảng 9h sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, ở góc công viên 30/4 (đường Hàn Thuyên, bên hông nhà thờ Đức Bà, quận 1), người Sài Gòn lại được thưởng thức tiếng đàn violon của "lão nghệ sĩ du ca đường phố".
Mọi người ví như tiếng đàn "Thạch Sanh" bởi tiếng violon cứ ngân lên không ngừng nghỉ. Bài hát cũng không cần chọn lọc, người nghe có thể bất ngờ khi vừa dứt bài "Trống cơm", giai điệu trỗi lên dồn dập "Dậy mà đi", xong lại chuyển mang đầy nuối tiếc của "60 năm cuộc đời"... Lúc trầm bổng, lúc lại réo rắc, tiếng đàn đủ sức khiến một cụ già bán hàng rong dừng chân ít phút, cô hàng nước thỉnh thoảng dõng tai nghe quên cả khách hàng. Thậm chí, bác xe ôm trong phút thả hồn theo tiếng nhạc, để hụt khách còn không biết.
Một người, hai người... rồi cả một nhóm. Mỗi cuối tuần, không hẹn mà gặp họ như những người bạn tri kỹ, kéo đến công viên, cùng hát, cùng nhảy. Và tiếng violon vẫn đều đặn vang lên, từ ông lão nghệ sĩ.
Ông tên là Tạ Trí Hải, sinh năm 1940, người Hà Nội gốc. Với mái tóc dài búi gọn, bộ râu trắng như cước, luôn vận chiếc áo kaki nâu sẫm kèm chiếc mũ cao bồi rộng vành, ngoại hình của ông đủ khiến người ngoài gặp một lần là nhớ mãi. Suốt 5 năm qua, ông vẫn miệt mài mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật ra công viên và đàn những bản nhạc cho người dân hay du khách nước ngoài thưởng thức. Không lấy tiền của khách mà đơn giản, đây là việc làm giúp ông thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc. Và bằng âm nhạc, ông có thể: "giao lưu với mọi người xung quanh, sẻ chia cảm xúc để thấy cuộc đời này tốt đẹp".
5 năm trước, khi về hưu, công việc hằng ngày của ông Hải là mang đàn violon, đàn Mandoline và Harmoniac ra công viên, đường phố dạo chơi. Thấy mọi người tụ tập thì gãy đàn góp vui. Dần dần, giữa phố thị Sài Gòn ồn ào, hình ảnh ông già có gương mặt hiền từ, phúc hậu chơi đàn làm say đắm lòng người trở thành quen thuộc.
"Tôi đã du lịch qua rất nhiều nước, Anh, Pháp, Trung Quốc..., cũng từng đến Hà Nội, nhưng không ở đâu như Sài Gòn. Giữa công viên cây xanh, có thể nghe và xem một ông lão nghệ sĩ chơi đàn mà không mất tiền vé. Chuyện lạ đấy!", chị Jessica, du khách người Canada nói.
"Hữu xạ tự nhiên hương", không hẹn mà nhiều bạn trẻ khắp nơi trên cả nước, nhiều du khách nước ngoài cũng hay tin và tìm đến công viên 30/4 ở khu vực trung tâm TP HCM để nghe nghệ sĩ đàn và để giao lưu với ông.
"Cứ đến cuối tuần tôi lại ra đây, như một thói quen, để nghe ông Hải chơi đàn violon. Tiếng đàn của ông in sâu vào tiềm thức của mình mất rồi. Nếu một ngày không còn tiếng đàn của ông không hiểu mình sẽ ra sao nữa?", bạn Nguyễn Hoàng Minh Ngọc, sinh viên trường Du Lịch Sài Gòn tâm sự. Từ tận Sóc Trăng, bạn Nguyễn An, trường THPT Hoàng Diệu cũng tìm đến đây trong một lần ghé Sài Gòn, không quên mang theo đàn guitar để "hòa tấu" cùng ông các bài hát mình yêu thích.
Cảm nhận lòng say mê âm nhạc từ những "người bạn trẻ", ông Hải mở câu lạc bộ Ngàn sao. Ông nói: "Thấy các bạn trẻ nhiệt tình quá. Ai cũng có niềm đam mê âm nhạc giống mình thì tại sao không tạo ra một nơi kết nối mọi người lại với nhau? Điều kiện để gia nhập câu lạc bộ đơn giản lắm, chỉ cần ai yêu thích âm nhạc, ca hát là có thể đăng ký".
Tháng 10 này, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Hải bày tỏ ước muốn được trở về Hà thành, để hát và chơi đàn cho thỏa nỗi mong nhớ. "Như bao người, thời cắp sách đến trường, những buổi cùng bạn bè la cà quán xá, tắm sông, đá bóng, cùng nhau trốn học đi chơi.... vẫn lưu giữ trong tôi như một phần đời không thể mất. Tôi nhớ tuổi, nhớ những kỷ niệm...", ông Hải bày tỏ nỗi niềm của một người con tha hương. Rồi ông đàn Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hướng về Hà Nội, Người Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Nhớ mùa thu Hà Nội... Một loạt ca khúc, một loạt giai điệu vang lên không nghỉ, đủ thấy nỗi nhớ Hà Nội trong ông lớn lao đến dường nào.
Thế nhưng, đâu đó trên gương mặt ông vẫn đượm buồn. Ông thật thà chia sẻ: "Về thì nhất định phải về. Nhưng vấn đề tiền nong eo hẹp quá. Chắc từ bây giờ đến lúc đó cũng chỉ tiết kiệm đủ tiền mua vé xe tàu hỏa".
Ông Hải không lập gia đình, sống "đơn thương độc mã" cùng cây đàn violon, ngao du giữa đường phố Sài Gòn. "Mỗi người đều có một quan niệm sống khác nhau. Tôi sống cho lý tưởng cách mạng. Tuổi trẻ của tôi dồn hết cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rồi, không còn thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện gia đình", ông giải thích mỗi khi nghe hỏi về chuyện riêng này.
Một mình, nhưng ông Hải không cô độc. Bên cạnh ông còn có những tấm lòng đồng điệu, say mê âm nhạc, còn có câu lạc bộ Ngàn sao với nhiều thành viên vẫn cùng ông mỗi sáng cuối tuần ra công việc "hòa" nhau điệu đàn, lời hát. Với ông, như thế đã đủ cho một đời người.
Theo VNE.