ảnh bài Tiếp dân bằng kẹo mút còn hơn tiếp bằng hách dịch - 0

Trước sự việc nữ Thượng úy công an tiếp dân bằng… kẹo mút gây xôn xao dư luận những ngày qua, người dân đã gửi bức thư động viên cô.

Thân gửi cô Thượng úy công an tiếp dân bằng.... kẹo!

Chắc hẳn cô cũng biết, thời gian vừa qua, hình ảnh của cô vừa ngậm kẹo mút vừa tiếp dân đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Và đương nhiên, kẻ trách móc, người chê bai không hề thiếu. Nhưng tôi lại thấy cô chẳng hề đáng trách tẹo nào.

Tiếng Việt thú vị lắm cô ạ. Chẳng tự dưng mà người ta gọi những việc hành chính là “hành chính”, có lẽ bởi vì với nhiều người dân thì những việc đó họ cảm thấy nó chuẩn như câu nói “hành là chính” vậy.

Và đương nhiên, với tôi, điều đó cũng chẳng hề ngoại lệ. Mỗi lần đến cơ quan công an để làm giấy tờ, tôi đều toát mồ hôi hột, không phải vì thủ tục quá rườm rà thì cũng do thái độ “nghiêm túc” đến mức hách dịch của “một vài” cán bộ. Hành động và thái độ của họ không hề giống với câu nói “Vì dân phục vụ” thường được treo ở phòng tiếp dân!

Tôi kể cô nghe, có một lần tôi đến cơ quan công an phường làm giấy tạm vắng cho con trai tôi đi học, một cán bộ ở cơ quan đã “nhờ” tôi đi photo hộ 10 bản khai báo chỉ vì lúc đó còn duy nhất một bản cứng ở cơ quan. Tôi nghĩ rằng đó đâu phải việc của tôi, tôi từ chối làm theo.

Bất ngờ hơn, cô ấy lạnh lùng trả lời tôi rằng: “Giờ đang là giờ hành chính, chúng tôi phải ở đây để trực tiếp dân, nên nếu chị đi photo được thì làm luôn không thì đợi đến chiều hoặc mai quay lại.” Và để nhanh gọn thì tôi làm theo lời cô cán bộ đó yêu cầu. Vậy, trong việc này, chiến sĩ công an đó nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình hay là thái độ quan liêu hách dịch với người dân?

Tôi chẳng hiểu tại sao họ có thể so sánh cô với cô nhân viên ở Bệnh viện Chợ Rẫy khi vừa tranh thủ xem phim vừa làm việc. Và đương nhiên, khi họ so sánh về hành vi thì họ cũng so sánh cả về hình thức kỷ luật. Nếu như cô nhân viên kia xem phim trong giờ làm bị đình chỉ công tác thì Thượng úy công an ăn kẹo mút tiếp dân cũng phải bị áp dụng hình thức kỷ luật tương đương.

Nhưng rõ ràng là việc hai cô làm không hề giống nhau. Cô nhân viên ở Bệnh viện Chợ Rẫy có thể nói là “ăn cắp giờ nhà nước” khi bắt nhiều bệnh nhân hay người nhà phải đứng chờ cô… xem nốt đoạn phim.

Tiếp dân bằng kẹo mút còn hơn tiếp bằng hách dịch - 1 Nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy mải xem phim… quên làm việc. Ảnh: Báo Đất Việt.

Còn với cô, tôi thấy mặc dù cô vừa làm vừa mút kẹo nhưng vẫn tiếp dân một cách thoải mái, không quan liêu với người dân như nhiều cán bộ mà tôi đã từng gặp. Vậy là việc cô ăn kẹo mút không hề ảnh hưởng đến năng suất làm việc và thái độ của cô đối với người dân.

Đương nhiên, hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân ăn kẹo mút trong giờ làm việc không phải là hình ảnh “chuẩn chỉnh” trong mắt người dân. Nhưng theo tôi, công an cũng chỉ là người, câu chuyện sẽ rất hợp lý, hợp tình, thậm chí đáng khen nếu như cô vì lý do sức khỏe (tụt đường huyết, chóng mặt) phải ăn kẹo để tránh những việc tiêu cực xảy ra.

Nên nếu xét kỷ luật thì tôi nghĩ rằng, những người ăn kẹo làm việc như cô không hề đáng. Mà những người đáng kỷ luật phải là những người tiếp dân bằng sự hách dịch, quan liêu, cứng nhắc, bề trên…

Nhưng dù sao thì vì đặc thù tính chất công việc của cô, tôi cũng khuyên cô nên rút kinh nghiệm và cẩn trọng với mọi hành vi của mình trong giờ làm việc để tránh gây tiếng xấu cho cá nhân và cho toàn ngành!

Một người dân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC