Bắn pháo hoa là câu chuyện phù phiếm, giống như chuyện con gà tức nhau tiếng gáy. Tỉnh này bắn, tỉnh kia cũng muốn bắn?


Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội thẳng thắn cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, người dân còn nghèo thì việc tổ chức bắn pháo hoa phải hết sức cân nhắc, hạn chế tối đa những chi tiêu không cần thiết để dồn nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là đảm bảo công tác an sinh xã hội.

 

Tỉnh nghèo bắn pháo hoa: Con gà tức nhau tiếng gáy? - 0

Hơn nữa, theo ông Hùng, nói rằng bắn pháo hoa vì người nghèo nhưng thực tế lại luôn tổ chức chủ yếu ở các khu trung tâm, thành phố, nơi có cuộc sống xa hoa, đẩy đủ với nhiều người giàu có.

Trong khi người nghèo ở những vùng sâu, vùng xa nghèo khó mong chờ được xem bắn pháo hoa cũng không được xem.Cá nhân ông Hùng cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ và rất hoan nghênh tinh thần chỉ đạo chung của Đắk Lắk.

Theo ông Hùng, không nên bao biện cho việc tổ chức bắn pháo hoa là vì người nghèo “bắn pháo hoa cũng là tốt nhưng đừng nói bắn pháo hoa là vì người nghèo, là để bù đắp niềm vui tinh thần cho người nghèo. Nói như vậy chưa chính xác đâu.

Nếu muốn bù đắp có rất nhiều cách để bù đắp, có thể bù đắp bằng tinh thần nhưng cũng có thể bù đắp bằng vật chất. Cái gì người dân cần hơn thì thiết thực hơn”, ông Hùng nói.

Ông Hùng đồng ý rằng, Tết đến thì phải chăm lo cho người dân có cả niềm vui về tinh thần và cả vật chất, nhưng ông cho biết có những thứ chi tiêu mà không cần chi, không có thì Tết vẫn vui. Thậm chí có những thứ tiết kiệm chi tiêu để bù đắp cho người nghèo tấm áo, cân gạo có lẽ niềm vui lại nhân lên.

Vì thế, ông Hùng nói, tùy vào từng bối cảnh, tùy từng điều kiện cụ thể để đánh giá, nhìn nhận niềm vui đó thế nào. Có khi bắn pháo hoa chưa chắc đã vui, cũng có khi bắn pháo hoa còn gây những suy nghĩ khác nhau, cũng có khi người nghèo còn bớt vui đi.

“Trong khi người dân còn quá nghèo, tôi cho rằng không phải ai cũng thật sự thích pháo hoa”. Điều quan trọng, theo ông Hùng là bên cạnh việc tổ chức bắn pháo hoa hoành tráng, địa phương nên cân nhắc, đảm bảo cho người dân có được niềm vui thực sự.

Phù phiếm

PGS.TS Vũ Trí Dũng – Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, vấn đề ở đây rất rõ ràng vì địa phương nào cũng nói pháo hoa là do tư nhân tài trợ và bắn pháo hoa là vì người nghèo nhưng có thể thấy chủ trương này không vì người nghèo.

Phân tích cụ thể ông Dũng nói, nếu không bắn doanh nghiệp không tài trợ vì kế hoạch của họ là tài trợ bắn pháo hoa chứ không phải là mua gạo cứu đói.

Trong trường hợp này nếu không cho bắn pháo hoa cũng có nghĩa người dân không được gạo mà địa phương cũng không ai được ngắm pháo hoa.

Vậy phải hiểu điều này thế nào? Theo ông Dũng, doanh nghiệp thích hỗ trợ bắn pháo hoa là quyền của họ nhưng địa phương là nơi tiếp nhận phải cố gắng, đàm phán, hướng doanh nghiệp tới những mục tiêu của tỉnh hoặc hướng tới mục đích để người dân của tỉnh được hưởng lợi.

Vì vậy, vấn đề ở đây thuộc về lãnh đạo các địa phương có đủ khả năng vận động được các doanh nghiệp đưa ra các hình thức tài trợ vẫn đảm bảo ý nghĩa, hình ảnh hoặc xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí của địa phương.

Đó mới là điều quan trọng. Vì thế, ông Dũng cho rằng, vấn đề cốt lõi chính ở những cán bộ, lãnh đạo địa phương có thật sự tâm huyết với mục tiêu này hay không?

Theo ông Dũng, để thuyết phục được doanh nghiệp tham gia một chương trình hay dự án nào đó trước hết địa phương phải tiếp xúc và phải để doanh nghiệp thấy hết được giá trị của họ khi tham gia vào các hoạt động trên. Khi thuyết phục được doanh nghiệp tham gia, chính quyền địa phương sẽ xác định hình thức hỗ trợ là gì? Có thể là bắn pháo hoa nhưng cũng có thể là gạo, quần áo hoặc là những vật chất khác.

Ông Dũng nói thêm, mục tiêu của các doanh nghiệp khi tham gia vào các chương trình tài trợ là vì hình ảnh của doanh nghiệp, vì muốn nâng tầm, tạo niềm tin của doanh nghiệp với những đối tác tiềm năng hoặc những khách hàng tiềm năng.

“Như vậy, pháo hoa chỉ là công cụ để doanh nghiệp đạt được mục đích của mình, hỗ trợ bắn pháo hoa doanh nghiệp chỉ có lợi chứ không thiệt. Có hai đối tượng được tham gia hưởng lợi trực tiếp là doanh nghiệp hỗ trợ (lợi ở đây là hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp nghiễm nhiên được PR miễn phí) và thứ hai là đơn vị sản xuất và bán pháo hoa. Người dân và địa phương chỉ đóng vai trò trung gian và hưởng lợi chút ít là được ngắm pháo hoa mà thôi”, ông Dũng nói.

Vậy thì trở lại câu chuyện, bắn pháo hoa có phải vì người nghèo hay không?

PGS.TS Vũ Trí Dũng cho biết, phát triển đời sống người dân bao giờ cũng bao gồm hai khía cạnh bao gồm cả vật chất và tinh thần. Nếu theo đúng quy luật triết học, vật chất sẽ đi trước, trí thức đi sau – tức là yêu cầu thỏa mãn về vật chất phải đi trước và luôn là ưu tiên số 1.

Trên cơ sở đó, ông Dũng cho biết, vật chất chính là cơ sở để phát huy tri thức. Khi xác định rõ được điều này sẽ thấy, vận động được doanh nghiệp hướng tới hỗ trợ vật chất cho người dân mới là việc làm cần thiết và quan trọng hơn cả.

“Khi đói không ai muốn nghe nhạc. Khi đói, không ai muốn xem bắn pháo hoa. Như vậy, bắn pháo hoa mà người dân đói sẽ không hiệu quả bằng người dân được ăn no”, ông Dũng giải thích.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia nói thẳng trong bối cảnh dân địa phương phải nhận gạo cứu đói nhưng địa phương lại vận động doanh nghiệp hỗ trợ bắn pháo hoa thì không thể nói là vì người nghèo. Theo ông Dũng, chỉ có thế nói đây là vì một số người nào đó, có thể là vì doanh nghiệp cũng có thể vì lãnh đạo một số tỉnh thích làm hình ảnh.

“Bắn pháo hoa là câu chuyện phù phiếm, giống như chuyện con gà tức nhau tiếng gáy. Tỉnh này bắn, tỉnh kia cũng muốn bắn. Tỉnh này bắn một điểm, tỉnh kia phải bắn nhiều hơn… để làm hình ảnh cá nhân, làm hình ảnh thôi chứ không đi vào thực chất. Như vậy vừa lãng phí vừa không hiệu quả”, ông Dũng phân tích.

Lan Vũ/ Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC