Trong vụ “chuyến bay giải cứu”, Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 38 bị can tại 9 bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp có liên quan.

1 Toan Canh Vu Chuyen Bay Giai Cuu Sau 1 Nam Khoi To Dieu Tra

4 bị can từ trái qua: Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Chử Xuân Dũng và Trần Văn Tân

BỘ CÔNG AN

Ngày 27.1.2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đánh dấu thời điểm “cất lưới” một trong những vụ tiêu cực có quy mô và tính chất phức tạp nhất từ trước tới nay.

2 Toan Canh Vu Chuyen Bay Giai Cuu Sau 1 Nam Khoi To Dieu Tra
Hành khách trên một "chuyến bay giải cứu" về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào tháng 6.2020

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trục lợi giữa đại dịch Covid-19

Giai đoạn 2020 - 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh cả trong và ngoài nước. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh chưa từng có, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế. Công dân Việt Nam tại nước ngoài muốn về nước phải di chuyển bằng các “chuyến bay giải cứu”.

Thời điểm ấy, do số lượng người Việt Nam có nhu cầu về nước rất lớn, trong khi số “chuyến bay giải cứu” lại có hạn, việc kiếm được một tấm vé về nước quý giá hơn bao giờ hết. Nhưng cũng vì chuyện này, dư luận dần xôn xao với thông tin chi phí cho mỗi chiếc vé trên các “chuyến bay giải cứu” là quá cao, thủ tục lại rườm rà, phức tạp.

Sau nhiều tháng vào cuộc điều tra, câu trả lời cho thông tin nêu trên đã có kết quả, bằng việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án tại Cục Lãnh sự. Bốn bị can thuộc cơ quan này đồng loạt bị bắt giam về tội nhận hối lộ, gồm cục trưởng, phó cục trưởng, chánh văn phòng và một phó phòng.

Từ một chủ trương nhân đạo của Đảng, Chính phủ, “chuyến bay giải cứu” đã bị các cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi.

Trả lời báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó là bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan trong nước, địa phương và đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tổ chức liên tục các chuyến bay đưa công dân về nước được nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bà Hằng cũng khẳng định vụ việc tại Cục Lãnh sự không thể phủ nhận những nỗ lực mà các cơ quan đã đạt được, đồng thời cho hay chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Vụ án không ngừng được mở rộng điều tra. Cơ quan công an gửi văn bản tới các bộ, ngành, địa phương có tiếp nhận các “chuyến bay giải cứu”, đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ xác minh. Kết quả, hàng loạt quan chức, cán bộ, doanh nghiệp “lộ mặt” trong đại án thế kỷ này.

38 người bị khởi tố, gồm nhiều quan chức cấp cao

Sau 1 năm kể từ thời điểm “cất lưới”, đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 38 bị can tại 9 bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan. Nhóm bị can bị điều tra về 5 tội danh khác nhau, gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Riêng tại Bộ Ngoại giao, 10 bị can bị khởi tố, phần lớn về tội nhận hối lộ. Trong số này có ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và bà Nguyễn Thị Lan Hương, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự. Dính líu đến sai phạm còn có một loạt cựu cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia như Angola, Nhật Bản, Nga, Malaysia…

Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, 3 bị can cùng bị khởi tố tội nhận hối lộ, trong đó có ông Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng. Tại Bộ Y tế và Bộ GTVT đều có 2 bị can bị khởi tố.

Văn phòng Chính phủ cũng có 3 bị can cùng bị khởi tố tội danh trên, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế. Vướng vòng lao lý còn có ông Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực.

Mới đây nhất, kết quả điều tra mở rộng đánh dấu sự liên quan của 2 địa phương, với việc Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng bị khởi tố về tội nhận hối lộ.

Ngoài ra, vụ án này không thể không nhắc tới 10 bị can là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch các công ty kinh doanh dịch vụ về du lịch và lữ hành. Nhóm này đều bị khởi tố tội đưa hối lộ.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, kết quả điều tra ban đầu xác định có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu”. Trong số này, có chuyến bay sau khi trừ các chi phí, số tiền “bỏ túi” lên đến vài tỉ đồng. Vụ án xảy ra trong thời gian dài, các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc.

Thông tin thêm, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho hay, các bị can trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, con số đưa và nhận cụ thể bao nhiêu thì phải chờ kết quả điều tra chính thức.

Phê bình nghiêm khắc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Liên quan đến các “chuyến bay giải cứu”, Bộ Chính trị phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngoài ra, hàng loạt cựu cán bộ ngoại giao bị kỷ luật khiển trách. Cùng đó, nhiều cựu cán bộ thuộc nhiều bộ, ngành bị khai trừ ra khỏi Đảng, đều là những bị can đã bị khởi tố, bắt giam.

“Chuyến bay giải cứu” cũng là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo ngày 18.11.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm vụ án này.

Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC