Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đóng góp 30% trong GDP năm 2030, nếu có những thay đổi mạnh mẽ và toàn diện.

1 Tong Giam Doc Fpt De Xuat 4 Viec Can Lam De Dot Pha Kinh Te So Viet Nam

Livestream đang được tận dụng triệt để bán hàng qua mạng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết Google - Temasek dự báo kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2023. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính kinh tế số đóng góp 18,6% GDP năm nay.

"Đây là những kết quả đáng mừng và tôi tin kinh tế số sẽ đạt mục tiêu đóng góp 30% trong GDP năm 2030, nếu có những thay đổi mạnh mẽ và toàn diện", ông Khoa nhận định.

4 việc cần làm mạnh

Theo ông Khoa, thứ nhất, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ sớm được thông qua, giúp thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn được ứng dụng mạnh mẽ, tận dụng tốt những lợi ích công nghệ số mang lại, tạo nền tảng cho sự phát triển các ngành nghề kinh tế số.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có cơ chế chia sẻ dữ liệu bởi dữ liệu là mỏ vàng, nguồn tài nguyên vô giá của quốc gia, nếu biết khai thác sẽ thúc đẩy kinh tế số.

Thứ ba, cũng là điểm hết sức quan trọng là làm thế nào đưa được tỉ lệ lao động kinh tế số trong toàn bộ lực lượng lao động tăng cao hơn nữa. Với mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP thì tỉ trọng lực lượng lao động kinh tế số trong toàn bộ lực lượng lao động cần phải cân xứng.

Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh: "Ngay từ bây giờ, chúng ta cần tập trung đào tạo AI, Robotic, STEM cho học sinh từ cấp phổ thông để có sẵn một đội ngũ "vừa mạnh - vừa cao", nghĩa là đủ số lượng và đảm bảo chất lượng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế số rất thách thức này. Việt Nam cần trở thành cái nôi đào tạo nhân lực số".

Thứ tư, cần sự chuyển biến quyết liệt hơn nữa của tất cả các lĩnh vực có đóng góp cho kinh tế số, từ thương mại điện tử đến tài chính, sản xuất, công nghệ thông tin, giáo dục...; hay những ngành Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch…

Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục cần nhanh chóng đi đầu trong việc số hoá công tác giảng dạy, từ đào tạo online đến số hóa kho dữ liệu bài giảng, thi trực tuyến... Lĩnh vực y tế cần số hoá để người dân tiếp cận với việc khám chữa bệnh, mua thuốc… thuận tiện và minh bạch. Nếu làm tốt, có thể đóng góp 5% GDP 2030.

Nắm bắt cơ hội thương mại điện tử

Ông Khoa cho rằng thương mại điện tử - lĩnh vực trụ cột của kinh tế số ước đạt 22 tỉ USD năm 2024 - cần nắm bắt cơ hội Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử để có những sáng kiến tăng trưởng doanh thu đột phá.

Ví dụ đào tạo bán hàng trên các nền tảng số cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) từ thành thị tới làng quê; phát triển các trung tâm logistics thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm... Ước tính, thương mại điện tử có thể đóng góp 12% GDP vào 2030.

Lĩnh vực công nghiệp cần xem AI, IoT, tự động hóa trong sản xuất là sống còn để cải thiện năng suất, giảm chi phí và nhờ vậy có thể tăng mức đóng góp từ 2-3% hiện nay lên 7% GDP.

Công nghệ thông tin đang có rất nhiều cơ hội để đóng góp 7-8% GDP năm 2030 vì Việt Nam đã có chỗ đứng trên bản đồ công nghệ toàn cầu và đang có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin.

"Tổng thể, để đạt mục tiêu 30% GDP từ kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái số đồng bộ, tăng cường số hoá mọi ngành nghề lĩnh vực và phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao", ông Khoa đúc kết.

Việt Nam sẽ thành trung tâm công nghiệp công nghệ số

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; cùng với đó là 7 nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện.

Trong đó đặc biệt chú ý là mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số của Việt Nam đạt tối thiểu 30% GDP. Và đến năm 2045, tỉ lệ này ít nhất là 50%. Qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

ĐỨC THIỆN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC