Cũng hỏi thẳng luôn, nếu người dân đóng phí chống kẹt xe, nhưng xe vẫn kẹt thì chính quyền có hoàn tiền lại cho dân không?
Thu phí kẹt xe nhằm giảm xe cá nhân được UBND TPHCM đưa vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
TPHCM sẽ triển khai thu phí kẹt xe. Ảnh: Minh Quân
Theo đồ án, thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ.
Thời gian thu dự kiến áp dụng trong các khung giờ cao điểm, mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ôtô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ôtô biển xanh.
Dư luận quan tâm đến thông tin này, bởi vì nếu thực hiện thì nhiều người phải mất thêm tiền hằng tháng cho chuyện đi lại. Thu nhập vẫn như cũ, nhưng phải đóng phí kẹt xe, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.
Đối với rất nhiều trường hợp, cho dù mất tiền, cũng phải đóng vì họ không có lựa chọn khác. Phương tiện giao thông công cộng hạn chế, hiện nay chỉ có xe buýt, và không phải nơi nào cũng có tuyến xe buýt thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Ví dụ, một người muốn vào nội đô, phải lái xe đến nơi có trạm xe buýt, gửi xe, đi xe buýt vào công ty, cơ quan. Khi về phải đến điểm gửi xe, lái xe về nhà. Vận hành theo cách này vừa tốn thời gian, cũng phải tốn thêm tiền gửi xe, chi bằng đóng phí cho nó nhanh.
Cho nên, phải làm rõ mục đích thu phí là gì?
Thu phí để cung cấp một dịch vụ, nếu là để chống kẹt xe, chính quyền phải tạo ra không gian đô thị thông thoáng, lưu thông thuận lợi. Nếu người dân đóng phí thường xuyên, nhưng vào nội thành vẫn bị kẹt xe, có nghĩa là người dân đóng tiền mua dịch vụ nhưng đã không được cung cấp đúng cam kết, dịch vụ chất lượng kém.
Cũng hỏi thẳng luôn, nếu người dân đóng phí chống kẹt xe, nhưng xe vẫn kẹt thì chính quyền có hoàn tiền lại cho dân không?
Còn chính quyền thu tiền phí của dân, với mục đích để có tiền đầu tư hạ tầng giao thông lại là chuyện khác. Trước hết, chính quyền phải nói rõ mục đích thu tiền, số tiền thu được phải công bố công khai, đầu tư vào các công trình hạ tầng gì, giải quyết bài toàn giao thông gì, hiệu quả ra sao, bao nhiêu tiền, làm bao lâu thì hoàn thành.
Không chừng thu phí chỉ đủ nuôi bộ máy chuyên lo thu tiền, như đã từng xảy ra với bộ máy thu phí đỗ xe.
Còn tuyên bố thu phí vào nội đô để chống kẹt xe thì xin thưa là không bao giờ làm được. Phí cứ thu, nhưng kẹt xe vẫn cứ kẹt là điều chắc chắn.
Trong bài "Thu phí vào nội đô khi không đủ phương tiện công cộng là cưỡng ép dân" đăng ngày 22.5, Báo Lao Động đã nêu quan điểm, phải triển khai thật nhanh các dự án giao thông công cộng và đầu tư nhiều công trình hạ tầng thay vì tính đến chuyện thu phí để chống kẹt xe.
Đừng bắt dân gánh chịu hậu quả do chất lượng quản lý kém của chính quyền.
Lê Thanh Phong - Báo Lao Động