Học sinh giáo dục nghề nghiệp tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh việc sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của TP.HCM trong chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" ngày 10-9, chủ đề "Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm".
Đến năm 2025, giảm 40% trường trung cấp công lập
TP.HCM hiện có hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm có hơn 125.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động.
Ngoài ra TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trung hạn và dài hạn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, với mục đích nâng cao tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87% và đạt 89% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Dương Anh Đức đề nghị các sở, ban, ngành quan tâm và tham mưu với lãnh đạo thành phố về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố gắn với Quy hoạch quốc gia về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó việc quy hoạch cần xác định các khu vực ưu tiên xây dựng trường cao đẳng, trường trung cấp đảm bảo diện tích nhằm thu hút, mời gọi các dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học,…
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu trong chương trình - Ảnh: CTV
Ông Đức cho biết TP.HCM sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tinh giản mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề theo hướng hiện đại.
Thành phố sẽ giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020. Trong đó giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập, nâng cao tỉ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%.
Bên cạnh đó ông cho biết TP.HCM sẽ có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp như hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học, hỗ trợ chi phí đào tạo đội ngũ nhà giáo...
Học sinh giáo dục nghề nghiệp đang khó nhận cấp bù học phí?
Ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM - đặt câu hỏi về việc thanh toán cấp bù học phí theo nghị định 81 cho người học nghề tốt nghiệp THCS và nghề độc hại theo thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH. Ông nêu thực tế hiện ở trường của mình có rất nhiều học sinh vẫn chưa được cấp bù học phí. Có trường hợp 2 năm chưa được nhận tiền.
Trao đổi về vấn đề này, bà Huỳnh Lê Như Trang, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết theo quy định của nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, đối tượng tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp sẽ được miễn học phí. Đối với đối tượng theo học các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được giảm 70% học phí.
Ông Nguyễn Đăng Lý đặt câu hỏi - Ảnh: CTV
Với người học tại các trường công lập, kinh phí cấp bù theo dự toán được cấp về các đơn vị để tổ chức thực hiện việc chi trả, quyết toán kinh phí miễn, giảm học phí. Người học thực hiện thủ tục miễn, giảm học phí tại trường theo học.
Với người học tại các trường tư thục, phòng lao động - thương binh và xã hội quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ thực hiện việc chi trả, quyết toán kinh phí miễn giảm học phí trực tiếp cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh, sinh viên.
"Những trường hợp chưa nhận được giải quyết cấp bù của các phòng lao động - thương binh và xã hội, trường kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tháo gỡ, giải quyết đảm bảo quyền lợi của người học", bà Trang thông tin.
Bà Trần Mai Phương, phó giám đốc Sở Tài chính, thông tin thêm trong dự toán ngân sách năm 2023, kinh phí cấp bù tiền miễn giảm học phí cho các đối tượng nêu trên là 311,1 tỉ đồng, bao gồm bố trí khối thành phố 208,7 tỉ đồng và bố trí khối UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện số tiền là 102,4 tỉ đồng.
Tăng cường dự báo nguồn nhân lực
Thay mặt HĐND TP.HCM, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM - đề nghị UBND TP.HCM tăng cường chỉ đạo các đơn vị xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hướng đến xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế hoặc nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ các tổ chức quốc tế có uy tín.
Ngoài ra theo ông Bình, UBND TP.HCM cần sớm phê duyệt đề án quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đến năm 2030 giai đoạn 2 để làm cơ sở sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online