Ngày 29/12, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết trong năm 2015, có khoảng 2.105 đoàn đi nước ngoài.
Theo đó, con số này đã giảm 10% so với năm ngoái (2.348 đoàn). Cụ thể 35 tỉnh thành giảm số đoàn, còn trên 20 tỉnh thành tăng số lượng đoàn đicông tác nước ngoài.
"Các đoàn vừa qua đi đã có chương trình, mục đích, tăng hiệu quả, tuy nhiên vẫn có một số đoàn chủ yếu đi học tập kinh nghiệm” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói.
Trong hội nghị trực tuyến cách đây 1 năm, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết các đoàn đi nước ngoài trong năm 2014 có chuyển biến theo hướng tiết kiệm hơn, số lượng các đoàn trung ương ra nước ngoài (từ cấp thứ trưởng trở lên) giảm khoảng 20% so với năm 2013, các đoàn địa phương giảm trên 8%.
Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu bày tỏ vui mừng trước con số đã giảm này và so sánh việc đi nước ngoài còn tiêu tốn hơn cả một khoản tiền mua chiếc ô tô mà chúng ta không dám mua vì nói tiết kiệm chi. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, địa phương rà soát, cân nhắc, tiết kiệm.
Năm 2013, số đoàn đi của tỉnh là gần 5.000 đoàn, của bộ ngành là khoảng 1.000 đoàn. Thủ tướng Chính phủ sau khi nghe báo cáo đã đề nghị rà soát lại số lượng và đoàn đi ra nước ngoài.
Liên quan tới câu chuyện đi ra nước ngoài học tập kinh nghiệm là câu chuyện đi du học nước ngoài không về nước cũng được đưa ra trong Phiên giải trình của Chính phủ sáng 29/12.
Câu chuyện về 2 người con của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đi du học nước ngoài rồi quyết định không về nước được Thứ trưởng chia sẻ rằng "thấy khó".
“Quan điểm của cá nhân tôi là cần phải có tư duy thoáng ra. Không phải không về nước là không đóng góp cho đất nước. Không phải không về nước là không yêu nước. Đây là sự cống hiến chung cho nhân loại. Có những trường hợp đưa hình ảnh Việt Nam lên rất cao, ví dụ như giáo sư Ngô Bảo Châu”, Thứ trưởng Thăng nhận định.
Tuy nhiên, điều này thể hiện rõ một thực trạng là "Chính sách thu hút nhân tài vẫn chưa bền vững.... Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về. Ví dụ như thế thì thấy khó thật. Bây giờ tạo việc làm thế nào, thu hút ra làm sao, chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ để xem lại chính sách", Thứ trưởng tự nhận xét.
Cũng trong phiên họp Chính phủ trực tuyến, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có lời đáp về lộ trình hạn chế xe cá nhân theo đề xuất của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Theo đó, Bộ trưởng Thăng phát biểu: "Mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên đề án sẽ do HĐND địa phương đó quyết định và Bộ GTVT phối hợp thực hiện. Trong đề án này sẽ tập trung đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, giờ cao điểm. Hà Nội và TP HCM cần xây dựng đề án để trình HĐND”.
Để phát triển giao thông đô thị bền vững, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2-3%.
Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định thêm, để thời gian tới đất nước phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước.
Cúc Phương (Tổng hợp)