Triển lãm Báo xưa - hành trình 85 nămSáng nay, 16/6, triển lãm "Báo chí Việt Nam (1865-1954) – Quá trình hình thành và phát triển" do Diễn đàn Sachxua.net, Thư viện Hà Nội và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây đã khai mạc tại Hà Nội,

Triển lãm giới thiệu với công chúng về nền báo chí nước nhà từ khi hình thành vào năm 1865 đến năm 1954 qua hơn 100 ấn phẩm quý hiếm cất giữ và kì công tìm kiếm trong suốt những năm qua. Tại triển lãm, người xem có thể thấy những đầu báo như: Gia định báo, Hà Nội tân văn, Chơi Xuân, Nam Kì tuần báo, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ hai, Văn Nghệ, Tiền Phong… cũng như hình ảnh cũng như bút tích của một số nhà báo nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố…

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân tham gia triển lãm cho biết: “Triển lãm này được thực hiện là do nỗ lực của một nhóm bạn trẻ chơi sách cũ báo cũ đã tìm kiếm và tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí là ở cả nước ngoài. Lịch sử báo chí không tách dời với quá trình phát triển báo chí từ xa xưa, cho nên những tờ báo được trưng bày hôm nay đều là những tờ báo được ra đời từ những năm 1865 đến 1954, nên triển lãm đã mang tên là Báo xưa”.

Triển lãm Báo xưa - hành trình 85 năm_0
Một số tờ báo xưa tại triển lãm.

Bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái của nhà văn Ngô Tất Tố cũng có mặt tại triển lãm để được nhìn lại những ấn phẩm báo chí đã từng là những người bạn cung cấp thông tin cho bà và gia đình trong suốt nửa cuộc đời, đồng thời được xem lại những tác phẩm mà cha bà đã ghi tên mình trên những tờ báo cách mạng của dân tộc. Bà Lịch đánh giá: “Báo chí của Việt nam đang lớn lên từng ngày với nhiều thể loại phong phú, nhiều tác phẩm báo chí hay đã đưa lại cho độc giả nhiều luồng thông tin bổ ích đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước.”

Triển lãm Báo xưa - hành trình 85 năm_1
Người xem ngắm bức ảnh Bác Hồ đọc báo Nhân dân tại Pác Bó.

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm đã diễn ra  cuộc toạ đàm “Quá trình phát triển báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865- 1954” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu nhằm đánh giá về vai trò của báo chí trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Diễn giả Đỗ Quang Hưng đã trình bày những vấn đề về báo quốc ngữ thời kì đầu cho tới thế kỉ 20. Diễn giả Yên Ba nhấn mạnh vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh với sự phát triển của báo quốc ngữ. Diễn giả Lại Nguyên Ân chỉ rõ báo quốc ngữ là một kênh đưa văn học tới toàn dân.

Diễn giả Dương Trung Quốc đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam, vai trò của báo chí trong tiến trình lịch sử của dân tộc và hiện trạng việc lưu trữ báo chí trước 1954 ở Việt Nam và trên thế giới.


 

Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC