Việc ông Trịnh Xuân Thanh liên tiếp đề nghị được về Đức gặp vợ con sau khi tuyên án là phi lý và không có cơ sở pháp lý. 

Vợ con về thăm là điều dễ dàng

Ngày 3/2, sau 6 ngày xét xử, ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) cùng 7 bị cáo trong vụ án Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 2015) xảy ra tại Công ty Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghỉ nghị án.

Tại đây, ông Trịnh Xuân Thanh trình bày năm ngoái bị thấp khớp rất nặng, có thể bị đột quỵ, đột tử, nên tiếp tục bày tỏ mong muốn được gần vợ con sau khi kết thúc vụ án, "nếu có chết thì chết trong vòng tay" gia đình.

Trước đó, khi nói lời sau cùng tại phiên toàn ngày 17/1, ông Thanh đã từng một lần đề cập đến việc, vợ cùng hai con, bé út 6 tuổi, đang sống ở Đức, thương vợ chăm con trong hoàn cảnh vất vả, ông mong HĐXX sau khi kết thúc vụ án cho "sang bên đó để có điều kiện chăm sóc con".

Trước hai lần đề nghị được về gần vợ con của ông Trịnh Xuân Thanh, trao đổi với Đất Việt, ngày 4/2, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết:

"Việc cho bị cáo nói lời sau cùng là một việc làm nhân văn, nhưng với đề nghị của ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn không bao giờ được đồng ý, đó là chuyện không thể thực hiện.

Trịnh Xuân Thanh mong được sang Đức gần vợ con: Quá phi lý! - 0

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, được xét xử mức án tù chung thân, tuy nhiên, mới chỉ xét xử sơ thẩm, tôi cũng không biết có kháng án hay xét xử phúc thẩm hay không, nhưng việc xin sang Đức gặp vợ con là hết sức phi lý.

Chưa từng có tiền lệ một bị cáo, tội đặc biệt nghiêm trọng được tại ngoại, được xuất cảnh ra nước ngoài để thăm gia đình. Đã là tội phạm nghiêm trọng, nếu qua Đức vẫn có khả năng trốn tiếp lần 2, vì đã từng trốn 1 lần".

Bản thân ông Hòa đặt câu hỏi tại sao vợ con ông Trịnh Xuân Thanh không về Việt Nam sinh sống để tiện chăm sóc, trong khi trước giờ không có tiền lệ thụ án tại nước khác.

Bởi vì chuyện vợ con đi về nước là chuyện hết sức bình thường khi họ vẫn còn là công dân Việt Nam, nếu trốn xuất cảnh chui thì mới khó khăn quay về, nhưng cũng tùy thuộc Luật pháp hai bên, tất cả cứ căn cứ theo pháp luật.

Với những người đã ra nước ngoài sinh sống thì về nước hoàn toàn sống được, Luật pháp, Đảng và Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng khoan hồng, với những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải muốn về nước sinh sống.

"Nếu vợ con ông Trịnh Xuân Thanh đi về mà được nhà nước Việt Nam cho phép, thì việc được gặp mặt nhau hay không sẽ do tòa án quyết định, do mức tội trạng, do sự thành khẩn, tùy theo điều kiện, riêng việc gặp mặt thì về tính nhân đạo, nhân văn của Luật pháp và nhà nước Việt Nam cũng bình thường không có vấn đề gì.

Có khi sẽ gặp mặt trong nhà tù hoặc nơi nào đó mà điều kiện là Trịnh Xuân Thanh không thể nào trốn.

Hiện tòa đã tuyên án, mang theo tội danh làm thất thoát một số tiền lớn cho nhà nước, nên việc canh giữ, quản lý Trịnh Xuân Thanh hết sức quan trọng, nếu sơ sẩy là phải chịu trách nhiệm", ĐBQH Phạm Văn Hòa nhận định.

Không có cơ sở

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng đây là một đề xuất vô lý, vì ông Trịnh Xuân Thanh là người có quốc tịch Việt Nam.

"Ông Thanh có nói đến chuyện vợ con sinh sống ở Đức, muốn về đó gặp mặt, nhưng chắc chắn chỉ có trường hợp vợ con về Việt Nam thăm, chứ không có chuyện sang Đức thi hành án, pháp luật Việt Nam chưa cho phép điều này.

Có nghĩa phải thi hành án trên đất nước Việt Nam, còn thi hành án ở nước khác hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, không biết luật sư nào tư vấn, nhưng đó là đề xuất vô lý", bà Ba khẳng định.

Cũng theo bà Ba, khi còn quốc tịch Việt Nam thì vợ con ông Trịnh Xuân Thanh về nước không hề khó khăn, cũng không cần tạo điều kiện bởi việc quay trở về nước sinh sống là tất nhiên.

"Thứ nhấtông Trịnh Xuân Thanh là người Việt Nam, bị tòa án xét xử thì ông có nghĩa vụ chấp hành án trên đất nước Việt Nam, không có hộ chiếu, không có quốc tịch nước ngoài, kể cả 2 quốc tịch vẫn phải chấp nhận bản án tại Việt Nam.

Thứ hainguyện vọng đi sang Đức để gặp vợ con là không có cơ sở pháp lý, vì vợ con về nước không hề có trở ngại vì là người Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam, nên quay về Việt Nam là lẽ đương nhiên, thường tình.

Thứ ba, quan trọng là vợ con của ông Trịnh Xuân Thanh có nỗ lực trở về, nỗ lực lao động, sinh sống tại Việt Nam hay không.

Bởi những tài sản thu được của Trịnh Xuân Thanh không thấm vào đâu, tôi nghĩ họ còn rất nhiều tiền, nên không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ", bà Ba phân tích.

 

Nguồn: Châu An

Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC