Tất cả các dự án đều được tính toán đầu tư sao cho hiệu quả nhất, mới triển khai thực hiện, không nên quá lo lắng.

 

Chủ trương là tiếp nhận mọi nguồn hỗ trợ

Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc liên tiếp đưa ra những đề xuất về việc được hỗ trợ xây dựng hàng loạt các tuyến đường sắt cho Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xem xét tài trợ vốn nếu ngành giao thông Việt Nam có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội.

Trước đó, Việt Nam cũng đã chính thức đồng ý tiếp nhận 10 triệu nhân dân tệ do Trung Quốc tài trợ để nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Yên Viên - Lào Cai. Một dự án khác, Trung Quốc cũng đã từng đưa ra đề xuất muốn được xây dựng đó là tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh.

Trước hàng loạt đề xuất của Trung Quốc, trao đổi với Đất Việt, ngày 5/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Từ trước đến nay, chúng ta đều thực hiện theo định hướng chung, thu hút tất cả các nguồn vốn trong và ngoài nước của các nhà tài trợ, của các nước, cũng như huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng hệ thống đường sắt.

Hiện tại, Bộ GTVT mới chỉ tiếp nhận chính thức đề xuất bằng con đường ngoại giao, là hỗ trợ đầu tư nghiên cứu kế hoạch chi tiết, lập quy hoạch toàn tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Yên Viên - Lào Cai của Trung Quốc.

Trung Quốc giúp xây đường sắt: Người dân đừng lo nhiều - 0

Đặc biệt, theo ông Đông cho biết, tất cả các dự án đều được thực hiện từng bước một theo chỉ đạo chung của Chính phủ, đầu tư phải xem xét tính khả thi.Còn riêng tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn, Bộ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào, phía Trung Quốc cũng chưa đặt vấn đề cụ thể".

Vì thế những lo ngại của các chuyên gia về việc khối lượng hành khách, hàng hóa qua đường sắt của Việt Nam chưa nhiều, ông Đông nói: "Chúng ta chưa nên lo lắng quá nhiều về chuyện xây dựng lên thì có hành khách hay không, nó cũng giống như câu chuyện, xây nhà lên cũng sợ không có người ở.

Thế nhưng chưa làm thì sao có thể biết. Tất nhiên, phải dự tính được trước số lượng nào đó, nhưng thực tế sẽ có xê dịch ít nhiều.

Ông Đông khẳng định thêm: "Dự án nào cũng sẽ có trình tự thủ tục cụ thể, chắc chắn sẽ có xem xét tính khả thi, chia làm hai giai đoạn tiền khả thi và khả thi, để đảm bảo tính hiệu quả.

Tất cả sẽ nằm trong nghiên cứu, từ xem khối lượng vận tải hàng hóa, cho đến tình hình cụ thể triển khai và đưa vào sử dụng".

Đừng nên vội lo lắng chuyện phụ thuộc

Đưa ra ý kiến trước lo ngại riêng đối với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, hiện nay đã có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xây dựng song song vừa tốn kém, lại không khai thác hết công suất, ông Đông chỉ rõ, mỗi loại hình vận tải sẽ có những công năng riêng.

Nếu như đường sắt là vận tải hàng hóa, có thể kết nối với quốc tế, thì đường bộ phục vụ cho nhiều mục tiêu, đặc biệt là dân sinh, tiếp cận dễ hơn. Và chúng ta không thể bỏ đi hình thức vận tải nào hoặc có thể để chúng thay thế nhau.

Tuy nhiên, ông Đông khẳng định: "Nhưng khi đưa vào thực tiễn vẫn phải có tính toán đầu tư sao cho hiệu quả nhất, mới triển khai thực hiện. Cũng như dự án sân bay Long Thành cũng phải trải qua nghiên cứu bao nhiêu thời gian, cũng như bao lần đề xuất, kiến nghị mới được phê duyệt triển khai.

Riêng đối với các tuyến đường sắt tốc độ cao này cũng vậy, cũng phải có sự tính cẩn thận từ bài toán kinh tế, đến xã hội".

Về vấn đề nếu Trung Quốc đầu tư nhiều Việt Nam sẽ bị phụ thuộc, theo ông Đông, thời điểm này chưa nên nói đến việc phụ thuộc.

Nếu Trung Quốc hỗ trợ dự án nào thì chúng ta vẫn tiếp nhận, sau đó nghiên cứu, hiệu quả thì chúng ta làm, còn không thì cũng không ai có thể ép buộc. Đừng nên đặt quá nhiều giả thiết khi chưa làm bất kỳ dự án nào, cứ tận dụng nguồn vốn hỗ trợ và thực hiện từng bước một, chậm nhưng phải chắc.

Trước đó, TS Nguyễn Xuân Thủy từng nhấn mạnh: "Việc xây dựng phải được tính toán kỹ, nếu chưa hiệu quả thì phải xem xét lại, đến năm nào sẽ làm, chứ không thể được hỗ trợ nghiên cứu đề án là phải làm ngay.

Việc xây dựng hàng loạt các tuyến đường sắt tốc độ cao là viển vông, không thực tế, không hiệu quả, không khả thi.

Tôi nghĩ, chúng ta nên lui lại đến năm 2025 – 2030 thì hãy nghiên cứu các đề xuất này. Cho nên, đây cũng không phải cơ hội tốt để Việt Nam phát triển đường sắt, nó chỉ là bản dạo đầu, một bài toán rất dài mà chúng ta phải đưa lên bàn cân".

Châu An

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC