“Từ tháng 10 năm trước, Trung Quốc đã có động thái đóng cửa. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người dân vẫn có thể xuất khẩu nhỏ lẻ. 4 tháng nay, Trung Quốc đã hoàn toàn cấm tôm hùm bông Việt Nam, không thể xuất khẩu được từ đường chính ngạch đến đường biên giới”, chị Thư chia sẻ.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, nước ta xuất khẩu khoảng 20-60 tấn, chủ yếu đến các thành phố lớn như Thượng Hải, Thẩm Quyến. Tính đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tôm hùm bông bị Trung Quốc ngưng nhập khoảng 4 tháng nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hoàn toàn bị chặn đứng, doanh nghiệp của chị Thư tìm cách quay sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc). Thế nhưng, tương tự Trung Quốc, phía đối tác vẫn phản hồi không nhận nhập khẩu tôm hùm bông Việt Nam mà không rõ lý do.
Hiện tại, công ty cũng chỉ dám đi theo các đơn đặt hàng để đảm bảo không có hàng tồn. Vì vậy, lợi nhuận của mỗi đơn hàng cũng bị giảm xuống sau khi trừ đi chi phí vận chuyển, nhân công...
“Vì đi theo đơn hàng nên số lượng nhập về rất ít. Khi nhập về khoảng 1 tạ, chúng tôi vẫn phải thuê xe ra tận các vùng biển, thuê ghe chở tôm và nhân công vận chuyển. Tất cả chi phí đều bị đội lên nên doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá nhiều”, chị Thư giải thích.
Chị Thư cho biết phía doanh nghiệp khổ 1 thì người dân nuôi tôm khổ 10. Không ít lần, chị nhận được lời cầu cứu từ người dân nuôi tôm tại các vùng như sông Cầu, Bình Hưng. Các vùng nước như Vũng Rô - Đầm Môn (Cam Ranh) chuyên nuôi tôm bông chịu thiệt hại nặng nề nhất vì không có tôm xanh để bán như những vùng khác. Họ sẵn sàng bán rẻ, bán tháo để không trắng tay. Dù đã nỗ lực hỗ trợ giải cứu, thế nhưng, doanh nghiệp của chị Thư cũng chỉ có thể thu mua 2-3 tấn.
“Chúng tôi không thể hỗ trợ nhiều vì hiện tại chỉ có thể tập trung vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, tôm hùm bông là dòng hải sản cao cấp, không phải ai cũng có đủ hầu bao để chi trả nên rất khó tiêu thụ”, chị Thư nói.
Chị Anh Thư cho biết việc bán tôm hùm bông cho thị trường nội địa cũng là một bài toán khó. Trung Quốc sẽ nhập hết tôm từ Việt Nam mà không phân biệt kích cỡ, tất cả đều cùng giá thành. Ngược lại, thị trường Việt Nam lại tiêu thụ ít và tương đối “kén chọn” về kích cỡ.
Khách nội địa thường có xu hướng mua phân khúc tôm từ 700-900gram. Điều này đồng nghĩa với việc phân khúc từ 500-700gram sẽ ít người mua vì cùng giá tiền, khách ưu tiên chọn những con lớn từ 1kg trở lên. Vì thế, người dân buộc phải kéo dài thời gian nuôi tôm lớn, tốn nhiều chi phí hơn nhưng lại bán với giá rẻ.
Hiện nay, giá tôm hùm bông giảm gần một nửa vì đầu ra bị chặn đứng. Trước đây, tôm hùm bông đạt trọng lượng 500gram đã được bắt bán, giá dao động từ 1,7-1,9 triệu đồng. Hiện nay, giá tôm chỉ còn mức 1,05 triệu đồng/kg cho tôm có trọng lượng 700-900gram nhưng không ai dám nhập vì không có đầu ra.
“Đây là giá giảm chưa có tiền lệ. Con giống tôm hùm bông rất đắt và kỹ thuật nuôi cũng công phu. Dòng tôm này phải được nuôi ở chỗ có độ mặn, độ lạnh nhiều hơn, nước sâu và trong, thức ăn cho tôm cũng rất tốn kém. Nên nếu nuôi tôm hùm bông chết sẽ lỗ rất nhiều”, chị Thư cho biết.
Không những thế, tôm hùm bông Việt Nam hiện nay còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường Nam Phi. Với các ưu điểm như giá thành rẻ, đa dạng chủng loại và đặc biệt là thủ tục nhập khẩu đơn giản, tôm hùm bông khu vực này dần trở thành nguồn cung chính cho thị trường Trung Quốc.
Dù bị cắt giảm phân khúc xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp của chị Thư không mấy bị thụ động vì hiện nay chị vẫn còn tệp khách nội địa với số lượng 300 vựa sỉ từ Bắc vào Nam.
“Chính ngạch thì không bị thiệt hại nhiều, còn tiểu ngạch thì người dân không có đường nào để sống”, chị Thư chia sẻ.
Trái ngược với các doanh nghiệp lớn, nhiều hộ nuôi tôm lao đao. Suốt 4 tháng nay, hơn 400 hộ nuôi tôm tại “thủ phủ tôm hùm” (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) chỉ biết thấp thỏm chờ tin từ phía Trung Quốc.
Là một trong những hộ nuôi tôm lớn nhất tại khu vực, mỗi vụ, anh Nguyễn Văn La cung cấp khoảng 15 tấn tôm để xuất khẩu sang nước ngoài. Trung bình một vụ tôm, anh La đầu tư khoảng 3-5 tỷ, mỗi ngày, anh tốn thêm 10-20 triệu đồng cho khoản thức ăn. Thế nhưng, giá tôm bán ra cũng chỉ dao động từ 1-1,1 triệu đồng. Hơn 20 năm làm nghề nuôi tôm, đây là lần đầu tiên anh La nhìn thấy tôm hùm bông rơi vào tình cảnh ảm đạm thế này.
“Những năm trước vẫn còn xuất khẩu được nên cuộc sống ổn định. Hiện tại cuộc sống có phần bấp bênh hơn vì bà con phải chạy theo thị trường Trung Quốc, mọi người vừa chờ đợi vừa lo lắng, xuống tinh thần rất nhiều”, anh La tâm sự.
Anh La cho biết, nếu tình hình Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông kéo dài. Tương lại, các ngư dân ở đây phải tìm cách chuyển đổi giống nuôi khác. Hiện gia đình anh La đã giảm số lượng nuôi tôm hùm bông và chuyển sang nuôi giống tôm hùm xanh. Theo anh La, thông thường, tôm hùm xanh khi nuôi đến 180-200gram, cao nhất là 500gram đã có thể xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, tôm hùm bông đã nuôi lên đến 1kg vẫn chưa thấy ngày được bắt lên.
Đối mặt với tình cảnh này, anh La cho biết bà con ngư dân trong vùng chỉ có thể tiếp tục chờ đợi. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục chờ đợi phản hồi từ phía Trung Quốc và mong các ban ngành có sự can thiệp kịp thời hỗ trợ bà con ngư dân. Có lẽ, chúng tôi sẽ cắt bớt số lượng tôm hùm bông vào những vụ tôm sau”, anh La nói.
Về phía doanh nghiệp, chị Thư cũng đang thấp thỏm chờ phản hồi hợp tác từ thị trường Thái Lan. Sắp tới, doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch chuyển hướng sang các thị trường lân cận như Singapore và Lào.