Không ít người băn khoăn, việc PGS-TS Bùi Hiền chuyển thể tác phẩm 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du từ chữ quốc ngữ sang chữ cải tiến sẽ phá vỡ giá trị tư tưởng thẩm mỹ của truyện.

 

Truyện Kiều sẽ đọc thế nào khi viết bằng chữ cải tiến của PGS-TS Bùi Hiền? - 0PGS-TS Bùi Hiền. Ảnh: PLO

Nhiều người cũng bày tỏ lo lắng việc chuyển thể Truyện Kiều theo chữ cải tiến có thể làm mất đi vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm.

Bởi tác giả Nguyễn Du sử dụng từ ngữ rất đắt, nhiều khi chỉ một chữ thôi đã có thể lột tả được bản chất bên trong của con người.

Ngoài ra, việc đọc "Truyện Kiều" thế nào theo chữ cải tiến cũng khiến bạn đọc hoang mang. Nhiều người “méo miệng”, quẹo lưỡi để đọc.

Về điều này, PGS-TS Bùi Hiền cho biết, khi ông viết lại "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới, giá trị vốn có của tác phẩm này không hề bị mất đi như trong suy nghĩ của nhiều người.

PGS Bùi Hiền: “Chỉ cần 10-15 phút học thuộc các chữ cái mới của 10 âm vị sau là đọc được Truyện Kiều mới: ch, tr = Cc /chờ/ ; đ = Dd /đờ/; ph = Ff/phờ/ ; c,k,q = Kk /cờ/ ; nh = NH nh /nhờ/(tạm thời); th = Qq /thờ/ ; s, x = Ss /sờ/ ; ng, ngh = Ww /ngờ/ ; kh =Xx /khờ/ ; d, gi, r = Zz /dờ/.

Khi thuộc rồi, các bạn sẽ thấy đọc rất bình thường và chữ mới chỉ là quy ước mới, hoàn toàn không làm mất đi giá trị nghệ thuật của tác phẩm này”.

Ông cho rằng, nhiều người đã nhầm lẫn giữa chữ viết và tiếng nói. Ông chỉ cải tiến chữ viết để giản tiện hơn, còn tiếng nói, tiếng Việt vẫn không thay đổi.

Truyện Kiều sẽ đọc thế nào khi viết bằng chữ cải tiến của PGS-TS Bùi Hiền? - 1

“Tiếng Việt có từ ngàn đời rồi, phát triển liên tục, không ai có thể thay được tiếng Việt cả. Khi chưa có chữ viết thì đã có tiếng nói. Đến lúc nào đó con người thấy cần một loại ký tự để biểu đạt được tiếng nói, họ mới sáng tạo ra chữ viết.

Tiếng Việt đã tồn tại từ bao đời nay, còn chữ viết thì trải qua nhiều lần thay đổi, từ chữ Hán đến chữ Nôm và ngày nay là chữ quốc ngữ. Kể cả chữ cải tiến của tôi cũng chỉ là một quy ước để biểu đạt âm thanh thôi, hoàn toàn không làm thay đổi tiếng nói của người Việt.

Truyện Kiều cũng thế, dùng chữ Nôm, chữ quốc ngữ, hay chữ cải tiến của tôi thì vẫn đọc như nhau” – PGS-TS Bùi Hiền khẳng định.

Ông dẫn ví dụ: Mở đầu tác phẩm "Truyện Kiều", nếu viết bằng chữ quốc ngữ sẽ là:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Nếu viết theo chữ cải tiến sẽ là:

“Căm năm cow kõi wười ta,

Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau.

Cải kua một kuộk bể zâu,

Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw".

Truyện Kiều sẽ đọc thế nào khi viết bằng chữ cải tiến của PGS-TS Bùi Hiền? - 2

PGS Bùi Hiền khẳng định dù các ký tự có khác nhau, nhưng đọc vẫn giống nhau, vì ông không cải tiến tiếng nói tiếng Việt.

“Tôi chỉ cải tiến cách viết để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh, đã trở thành chữ quốc ngữ của Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được nhanh chóng và thuận lợi hơn” – PGS Bùi Hiền chia sẻ.

 

Nguồn: Đặng Chung

Báo Pháp Luật




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC