Bà Nguyễn Phương Hằng
Ai có quyền giám định tâm thần đối với bị can?
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt buộc, đương nhiên phải giám định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội mà không phụ thuộc vào yêu cầu giám định của đương sự hay người đại diện của họ. Nói cách khác, đương sự, người đại diện của người bị buộc tội không có quyền yêu cầu giám định tâm thần đối với người bị buộc tội.
Trong trường hợp này, bà Phương Hằng đang là bị can trong một vụ án hình sự, hiện vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Do đó, nếu nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bà Hằng, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM sẽ trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bà Hằng, chồng hay con của bà không có quyền yêu cầu giám định hay yêu cầu không giám định tâm thần đối với bà.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bà Hằng bị tâm thần thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định trưng cầu giám định.
Ông Huỳnh Uy Dũng không có quyền yêu cầu giám định trong trường hợp này vì liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bà Hằng. Ông Dũng có thể làm đơn đề nghị nhưng đây chỉ là một trong những nguồn cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, còn việc có thực hiện giám định hay không là theo đánh giá và quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng tại từng giai đoạn tố tụng theo quy định pháp luật.
Chồng là người giám hộ đương nhiên nếu vợ bị tâm thần
Theo luật sư Trạch, cần phân biệt năng lực trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm dân sự. Cụ thể, việc giám định tâm thần đối với người bị buộc tội là nhằm xác định tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự của họ trong vụ án hình sự, hay nói cách khác là xác định mức độ, khả năng nhận thức, chịu trách nhiệm của họ đối với hành vi phạm tội tại các thời điểm trước, trong và sau khi họ thực hiện hành vi phạm tội.
Còn đối với khả năng có và thực hiện các quyền dân sự của người bị buộc tội (trong đó có quyền tài sản) thì được quy định bằng pháp luật dân sự. Cụ thể, nếu một người bị tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự (người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi) thì giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Như vậy, người chồng phải yêu cầu tòa án tuyên bố người vợ mất năng lực hành vi dân sự. Lúc này, người chồng sẽ là người giám hộ đương nhiên, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của vợ.
Theo điều 47 Bộ luật dân sự, một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu. Do đó, nếu người này có chồng, và các con thì người chồng là người giám hộ đương nhiên và duy nhất.
Theo Luật doanh nghiệp năm 2020 thì người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì không có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp.
Theo đó, trong trường hợp người bị buộc tội thuộc một trong các trường hợp trên nhưng họ đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì sẽ áp dụng khoản 5 hoặc khoản 6, điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020 để xử lý và người bị buộc tội không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nữa.
Bên cạnh đó, tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có thể căn cứ khoản 7, điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020 để chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online