HĐXX TAND TP.HCM tuyên án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Chiều 11/4, TAND TP.HCM tuyên án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB - trốn truy nã); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB); Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) cùng lãnh án chung thân về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước: Chung thân
Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor: 17 năm tù.
Tạ Chiêu Trung (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú, cựu Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB): 14 năm tội tham ô tài sản, 6 năm tù vi phạm quy đinh về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt: 20 năm tù.
Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, Hồng Kông - chồng Trương Mỹ Lan): Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường thời đại Times Square: 9 năm tù.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.
HĐXX cho rằng, có đủ cơ sở xác định các bị cáo phạm vào các tội danh như cáo trạng truy tố. Bị cáo Lan và đồng phạm gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn cho SCB. Từ đó, ngân hàng này rơi vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang trong người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước...
Hành vi của 86 bị cáo mang tính có tổ chức trong đó bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội. Từ đó khẳng định phải có mức án nghiêm khắc nhất với Trương Mỹ Lan.
HĐXX nhận định, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Theo HĐXX, trước khi hợp nhất Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã thu mua cổ phần của ba ngân hàng: Ngân hàng SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất. Khi Ngân hàng Nhà nước cho phép hợp nhất, bị cáo Lan đã lợi dụng chính sách tái cơ cấu lại ngân hàng đã thâu tóm số lượng lớn cổ phần của ngân hàng SCB sau hợp nhất.
Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB. Do đó HĐXX không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc bị cáo Lan thực tế chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của bị cáo và 2 người con gái.
HĐXX cũng cho rằng, quá trình điều tra, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên hộ Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Trương Huệ Vân - cháu gái Trương Mỹ Lan.
Cũng theo HĐXX, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, theo quy định của luật doanh nghiệp và luật các tổ chức tín dụng thì việc quyết định các vấn đề của ngân hàng khi được trên 65% cổ đông chấp thuận thông qua đại hội đồng cổ đông.
Đối với 5 cổ đông nước ngoài, quá trình điều tra bà Lan khai đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 cổ đông này. Tại phiên tòa, bà Lan thay đổi lời khai nhưng thực tế các cổ đông nước ngoài từ lâu đã không tham gia đại hội đồng cổ đông nên lời bào chữa của các luật sư cho rằng bà Lan và gia đình chỉ nắm giữ khoảng 15% cổ phần SCB là không có cơ sở để chấp nhận.
Vì vậy, việc chiếm trên 91,5% cổ phần tại SCB nên Trương Mỹ Lan thực tế đã chi phối và thực chất điều hành toàn bộ hoạt động tại SCB. Do đó bị cáo Lan là chủ thể của tội Tham ô tài sản, từ đó không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư cho rằng bị cáo Lan không cấu thành tội Tham ô tài sản.
Lợi dụng vai trò là cổ đông lớn, quyền lực, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã truyền đạt ý chí cho các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung thực hiện việc rút tiền từ SCB nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trong 10 năm, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (gần 484.000 tỷ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Theo HĐXX, các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018, chưa xử lý tội tham ô tài sản đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước, nên Viện KSND đã truy tố bị cáo ở 2 tội danh ở 2 giai đoạn trước và sau ngày 1/1/2018 là phù hợp.
Đây cũng là lập luận để HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng, việc xử lý 2 tội danh đối với bị cáo Lan là bất lợi cho bị cáo.
Cụ thể, hành vi của Trương Mỹ Lan trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 - 31/12/2017 phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999.
Bà Lan đã chỉ đạo tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức cho 304 khách hàng vay 368 khoản, còn dư nợ tổng số tiền hơn 132.000 tỷ đồng. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên xác định hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay trên 67.600 tỷ đồng.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu Phó Tổng giám đốc SCB.
Trong giai đoạn từ 1/1/2018 - 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo tạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút và chiếm đoạt tiền của SCB. Đến ngày 17/10/2023, các khoản vay này còn dư nợ gốc hơn 415.600 tỷ, dư nợ lãi hơn 129.300 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm liên quan phạm tội Tham ô tài sản theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo Lan, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng dư nợ gốc, và gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng là lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên.
HOÀNG THỌ
Nguồn: VTC