Berli Jucker, công ty thành viên của TCC Group thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết, hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam của Casino Group sẽ là mục tiêu thâu tóm tiếp theo trong kế hoạch bành trướng hoạt động khắp Đông Nam Á.
Trợ lý phó chủ tịch của Berli Jucker là ông Nutt Hathai Thanachairunsiri nói với Reuters rằng, các thị trường mà tập đoàn này nhắm tới là các quốc gia có mức tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, để bù đắp nhu cầu nội địa ngày càng yếu tại Thái Lan.
Đầu năm nay, Metro (Đức) cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển giao Metro Cash & Carry Việt Nam cho cho Tập đoàn Berli Jucker với giá 655 triệu euro (khoảng 879 triệu USD).
Nếu thực sự mua lại Big C Việt Nam, cái giá mà Berli Jucker có thể phải bỏ ra là khá lớn.Trước đó, tập đoàn bán lẻ của Pháp Casino Group đã có thông báo chuyển nhượng một số tài sản châu Á và Mỹ Latinh nhằm giảm bớt khoản nợ tài chính lên tới 2 tỷ EUR trong năm 2016. Việc bán các siêu thị tại Việt Nam nằm trong kế hoạch 6 tháng đầu năm của Casino Group.
Trong một thông tin đăng tải ngày 17/12/2015, Bloomberg dẫn lời Bruno Monteyne, chuyên viên phân tích tại Sanford C. Bernstein cho biết, giá trị khoản chuyển nhượng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của Casino có thể lên tới 750 triệu EUR (khoảng 810 triệu USD).
Trước đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã dự đoán, 80% khả năng BigC sẽ được công ty Thái Lan mua lại, giống như trường hợp của Metro trước đây.
"Các tập đoàn Thái Lan đã có ý đồ thâm nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu, họ muốn mở rộng từ sản xuất đến phân phối. Nếu có được BigC, họ sẽ nắm trong tay hệ thống 32 điểm phân phối ở các khu vực trung tâm tại Việt Nam.
Trong đó, nếu đối tác của thương vụ này là tập đoàn Berli Jucker (BJC), cùng với phần có được từ Metro, công ty này có thể nắm tới 51 siêu thị, và trở thành một đại hệ thống phân phối, có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường", Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, một bài học chúng ta từng trải qua là Công ty CP của Thái Lan từng tăng giá trứng 2 lần trong vòng một tuần, bởi họ nắm tới 30-40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị.
"Nên nếu các doanh nghiệp này có thể năm tới 50-60 điểm phân phối lớn tại thị trường Việt Nam, thì đó sẽ là một thách thức lớn với doanhh nghiệp nội", ông Phú phân tích.
Như vậy, tính đến thời điểm này, thị trường bán lẻ Việt chính thức xuất hiện nhà đầu tư Thái Lan và Nhật Bản.
Kể từ ngày 28/10/2015, Trung tâm thương mại Aeon Long Biên, Hà Nội bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là trung tâm thương mại thứ ba mà tập đoàn Aeon - đại gia trong lĩnh vực bán lẻ của Nhật Bản mở ra tại Việt Nam.
Ông Yukio Konishi, Tổng Giám đốc công ty Aeon Mall Việt Nam cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các trung tâm thương mại tại Việt Nam. Theo tính toán, cứ khoảng 1 triệu dân thì có thể mở một trung tâm thương mại, vì vậy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi chúng tôi sẽ mở 10 trung tâm thương mại. Chúng tôi rất trông chờ vào sự phát triển này".
Aeon không phải là doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản duy nhất có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Mở cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2013, đến nay chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart đã có gần 70 cửa hàng và đặt mục tiêu đưa con số này lên 800 đến 1000 vào năm 2020. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản khác cũng đang có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam.
An Tâm (tổng hợp)