Vấn đề an toàn thực phẩm đã trở nên nhức nhối trong xã hội song giải quyết vẫn nhỏ giọt, chưa được rốt ráo. Liệu có móc nối, tay trong, ăn tiền?  PGS.TS. Bùi Thị An chuyên ngành hóa - lý, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Viện trưởng viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hà Nội nêu nhận xét.

PV: Vấn đề an toàn thực phẩm đang trở thành một vấn đề bất cập và nan giải ở nước ta. Từ việc quản lý chồng chéo giữa 5 Bộ mà 3 Bộ trong đó đã có các cơ quan riêng chủ quản về vấn đề này. Cho đến việc chồng chéo trong quy định các hóa chất được nhập khẩu như chất cấm trong chăn nuôi, Sabutamol được dùng trong Y tế.Vậy bà nhận định thế nào về hậu quả của cách quản lý hay quy định này?

PGS.TS. Bùi Thị An: Thực tế cho thấy là cả xã hội đang bất an về vấn đề an toàn thực phẩm. Đây không còn chỉ là vấn đề đời sống xã hội thông thường mà còn liên quan tới tính mạng con người.

Sau đấy là vấn đề phát triển kinh tế, xã hội. Khi tính mạng con người báo động thì đó đầu tiên trở thành một vấn đề kinh tế mà sau đó sẽ còn ảnh hưởng tới các vấn đề xã hội. Vì con người, gia đình là một tế bào của xã hội. Vấn đề này chắc chắn phải được quan tâm hết mức và phải được chú trọng đầu tiên.

Theo tôi, có 2 vấn đề lớn được đề cập tới xung quanh các vụ việc về an toàn thực phẩm như sau:

Thứ nhất là phải rà soát lại toàn bộ cách quản lý, quy định về an toàn thực phẩm như chất cấm trong chăn nuôi, chất cấm nhập khẩu vượt kiểm soát của cơ quan chủ quản, chất cấm được cho vào thức ăn chăn nuôi, hay hiện tượng heo chết heo thối, nội tạng thối được vận chuyển từ tỉnh này tới tỉnh khác đưa đi tiêu thụ bằng nhiều con đường là phải làm rõ ai chịu trách nhiệm.

Vấn nạn ăn bẩn độc: Họ bất chấp, giết người không gươm - 0 Kẽ hở trong quản lý nhập khẩu chất cấm gây nên tình trạng đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi.

Thứ hai, tới đây xin yêu cầu chất cấm hay hóa chất nhập khẩu chỉ có 1 Bộ quản lý thôi, bất kể là hóa chất ấy phục vụ cho Bộ nào.

Ví dụ, Bộ Y tế muốn nhập loại hóa chất gì, lượng là bao nhiêu, cho những lĩnh vực nào, vì sao cần nhập thì phải có tờ trình và chịu trách nhiệm về tờ trình của mình. Người ra lệnh cho phép nhập khẩu hóa chất này chỉ có 1 Bộ thôi. Cơ quan này có thể là Bộ Công Thương. Còn các Bộ khác vẫn được phép nhập khẩu song phải quản lý được lượng hóa chất mình muốn nhập và quản lý khi đã được cho phép và đã nhập về.

Khi chúng ta chỉ quy về một đầu mối như vậy thì mới có thể kiểm duyệt được, tránh được tình trạng "Cha chung không ai khóc", Bộ này đẩy cho Bộ kia và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả. Khi đó, nếu có xuất hiện tình trạng nhập quá lượng cho phép hay đăng ký nhập thì Bộ Công thương sẽ phải là người chịu trách nhiệm.

Như vậy, khi chế tài của chúng ta đã trao quyền rõ ràng, Bộ nào chịu trách nhiệm về khâu nào, Bộ nào làm sai thì Bộ đó phải chịu trách nhiệm và mức xử phạt phải rất nặng mới có sức răn đe.

PV: Thực tế đã có các danh sách chất cấm, quy định cấm nhập nhưng các hóa chất vẫn xuất hiện ở Việt Nam. Ở đâu cũng nói mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng xử lý thì nhỏ giọt không ngăn chặn được tình trạng người dân liên tục buôn bán trái phép hàng bẩn, hàng thối, hay chất cấm chăn nuôi được sản xuất. Hoặc việc 1 công ty nhập khẩu chất cấm trái phép 2 năm nay mới bị phát hiện. Vậy theo nhận định của cô, có tình trạng lót tay hoặc móc nối, dây dưa ăn tiền với nhau hay không?

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng tới đâu và họ phải chịu nhận hình phạt gì? Hay chỉ nghiêm khắc cảnh cáo, nhắc nhở, phê bình, khiển trách?

PGS.TS. Bùi Thị An: Như đã trao đổi ở trên, chính việc quản lý và các quy định của chúng ta có vấn đề. Chồng chéo và không đủ sức răn đe.

Đối với các hình thức xử phạt, nếu liên quan tới tính mạng con người tôi nghĩ phải tử hình. Có chế tài răn đe mạnh mẽ như vậy thì mới làm cho những người cố tình buôn bán những chất cấm, thực phẩm bẩn, bệnh lo sợ mà dừng lại.

Nếu chúng ta chỉ xử phạt kinh tế không thì vẫn không hiệu quả. Bởi 100 triệu, 200 triệu không là gì khi lợi nhuận của họ quá lớn. Có thể lợi nhuận đó lớn hơn rất nhiều so với tiền phạt. Có thể nhận phạt rồi vẫn tiếp tục quay trở về làm nghề cũ vì chỉ có công việc này mới nhanh kiếm được tiền. Khi đó, họ sẽ bất chấp để làm dù có thể biết việc làm đó có thể giết người không gươm, không giáo.

Mà không chỉ giết một thế hệ, giết nhiều thế hệ. Không chỉ bố mẹ, con cái sau này, di chứng và dẫn đến cả một dân tộc bị hệ lụy. Trí tuệ khiếm khuyết, sức khỏe yếu ớt thì làm sao có đủ nguồn nhân lực để phát triển và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước, cơ quan chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm này cũng phải nhận xử phạt tương đương. Thậm chí có cần phải sửa lại Luật Công chức. Bởi khi đó, hành vi này là đồng lõa và tội cũng nặng không kém gì người trực tiếp thực hiện.

Đơn cử như Bộ cho phép nhập khẩu hóa chất. Nếu anh không kiểm soát được nguồn hàng nhập của anh, hàng nhập quá số lượng, anh tuồn cho ai, anh tuồn đi đâu thì mới có nguồn vận chuyển trong dân chúng? Rồi quản lý thị trường, ai cho thả nổi chất cấm rồi hành vi, các sai phạm buôn lậu, vận chuyển, mua giá cao nếu dùng chất cấm....

Nếu chúng ta chỉ xử lý người buôn bán, vận chuyển trên thị trường thì đó là ta mới xử lý một khâu thôi.

Ngoài ra, ta thấy việc tiêu hủy các thực phẩm bẩn này cũng cần phải được quan tâm. Thực tế đã có trường hợp thực phẩm bẩn thối bị bắt rồi vẫn bị các đối tượng đột nhập lấy cắp hay chôn xuống đất rồi lại đào lên và ngâm hóa chất rồi lại mang đi tiêu thụ tiếp. Như vậy, cần phải giám sát tiêu hủy.

Vấn nạn ăn bẩn độc: Họ bất chấp, giết người không gươm - 1 Hàng tấn nầm lợn thối được cơ quan chức năng chôn tiêu hủy song lại biến mất sau 1 đêm, hiện trường khu vực chôn bị đào lên.

Tôi thấy có cử tri phản ánh, có những lô hàng đáng lẽ ra bị tiêu hủy nhưng lại được cơ quan chức năng chở đi đâu đó, không rõ là có tiêu hủy không? Hay lại bán cho người khác, chở vào chợ, ngâm hóa chất, bán cho dân cư...?

Vì vậy, cũng cần giám sát khâu này nữa. Tiêu hủy thì do ai tiêu hủy? Tiêu hủy ở đâu? Và phải có sự chứng kiến, giám sát của cộng đồng dân cư. Đặc biệt cần những người đại diện của dân cư như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ,... Tức là phải có các đại diện của nhân dân đứng ra chứng kiến và giám sát việc thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước.

Và người nào, cơ quan nào vi phạm điều này khi được phát hiện cũng phải bị xử phạt nghiêm không kém gì người đi buôn bán. Vì đây cũng là một hình thức đưa chất độc vào trong dân.

PV: Như bà vừa đề cập tới việc móc nối trong quản lý và xử lý thực phẩm bẩn, chất cấm chăn nuôi. Bà đã được cử tri phản ánh hay chưa hay có nhận định ra sao về một số quan điểm cho rằng chắc chắn có sự móc nối giữa các cơ quan để hưởng lợi với nhau?

PGS.TS. Bùi Thị An: Trường hợp cụ thể thì tôi chưa được rõ nhưng chắc chắn một điều về chất cấm. Ta thấy rõ Bộ Y tế thừa nhận là nhập số lượng ít nhưng trong dân cư vẫn có, chăn nuôi vẫn có thậm chí cả ở cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng có. Vậy ở đâu ra?

Một điều rõ ràng là, khi đã có mặt ở Việt Nam thì chắc chắn nó có nhiều con đường vào và con đường nào thì cũng do các cơ quan Nhà nước quản lý, kể cả nhập lậu.Người đưa đi tiêu thụ cũng nắm được rõ hàm lượng để pha trộn vào thức ăn. Sao họ nắm được? Kiến thức của họ được trang bị ở đâu ra?

Trong khi tâm lý người dân thì mong lợi nhuận kinh tế, lợn của mình được lớn nhanh, nhanh xuất chuồng, mua con mới lại mong lớn nhanh, bán lấy tiền. Đây lại cũng là một vấn đề cần quan tâm và phải thay đổi.

Về phía người dân, khi phát hiện việc vi phạm, mời dùng chất cấm, hoặc ai dùng chất cấm thì phải có báo cáo, có điều tra. Tội này cũng phải xử nặng. Bởi vì khi người dân đã được biết, được tuyên truyền về lợi hại của những chất cấm, điều cấm, vi phạm và các hình thức xử lý khi vi phạm mà anh vẫn thực hiện thì đó là hành vi cố tình và xứng đáng bị xử lý nặng. Khi đó không thể lấy lý do người dân không hiểu biết nữa.

Trong trường hợp khi phát hiện ra các đường dây móc nối với nhau để hưởng lợi như trường hợp một công ty được sự cho phép của Bộ Y tế nhưng vẫn nhập khẩu được vượt quá số lượng, phải xác định, vậy nhập quá lên để làm gì? Có hiện tượng tuồn cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không? Đưa vào trong dân chúng không? Điều này cần điều tra rõ, công khai trên báo chí. Dây dưa ra sao? Phải công khai rõ ràng.

Đảm bảo an toàn thực phẩm phụ thuộc vào nhiều bộ ngành, nhiều lĩnh vực nên cần sự chung tay của toàn xã hội và của cả những nỗ lực cải cách của các cơ quan chức năng.

Lê Na




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC