Chánh án và Viện trưởng VKSND tối cao là người đứng đầu cơ quan tư pháp, có vai trò đối với công tác xét xử, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nên cần áp dụng biện pháp cảnh vệ.

Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong phiên họp thứ 30 diễn ra chiều 22/2.

Trong tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chính phủ cho biết Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2018.

Đề xuất bổ sung 3 chức danh lãnh đạo vào diện "đối tượng cảnh vệ"

Chính phủ nhận định Luật là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện công tác cảnh vệ, đồng thời giúp cho việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Về đối tượng cảnh vệ, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, gồm: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

1 Vi Sao Bo Sung Chanh An Vien Truong Vksnd Toi Cao Vao Doi Tuong Canh Ve

Chính phủ đề xuất bổ sung 3 chức vụ lãnh đạo vào diện đối tượng cảnh vệ (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Trong đó, đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

Theo lý giải của Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước.

Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

"Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm", Chính phủ nêu quan điểm.

Đề nghị thu hẹp diện sự kiện được bố trí lực lượng cảnh vệ

Về đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, Chính phủ đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Theo đó, dự thảo luật lần này được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng.

Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ theo hướng quy định: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ tham dự".

Chính phủ lý giải, sự kiện có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và khách quốc tế có chức vụ tương đương tham dự, được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.

2 Vi Sao Bo Sung Chanh An Vien Truong Vksnd Toi Cao Vao Doi Tuong Canh Ve

(Ảnh minh họa: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

Ngoài ra, dự thảo luật lần này bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ.

"Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này", dự thảo luật nêu rõ.

Lý giải rõ hơn, Chính phủ cho biết công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Do đó, tùy tình hình an ninh trật tự trong từng thời điểm cần phải có biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp.

Thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác theo đề nghị của các bộ, ban, ngành mà không thuộc đối tượng cảnh vệ, trong những trường hợp cấp thiết, hoặc để kịp thời đáp ứng công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo nguyên tắc đối đẳng quan hệ.

"Việc thực hiện nhiệm vụ này không làm phát sinh nguồn lực tài chính vì thực tế nhiệm vụ này đã và đang được thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực, tài chính hiện tại, do vậy không làm phát sinh chi phí, nhân lực", theo lập luận của Chính phủ.

Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/7/2018 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ đối với 56 đoàn.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, Chính phủ cho rằng cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC