Tôi tin sẽ rất nhiều người, nhiều Ninja bỏ xe máy đi xe buýt.
Đó là điều quan chức các thành phố này có thể làm được như một bước đột phá, dẹp bỏ não trạng 'biết nhưng không thèm làm'.
Các bạn cười cợt, chê bai, tức giận họ, còn tôi chỉ thấy xót thương cho những nữ Ninja ấy.
Tôi nhớ mãi đám bạn sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trong giấc mơ hồi cuối thập niên 90 ngày ấy, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có việc làm ở Hà Nội, có gia đình, có nhà và có... một chiếc xe máy.
"Ninja Việt Nam" - nỗi khiếp đảm cho tài xế
Tại sao lại là xe máy?
Như lời mô tả của một cô bạn gái: Để cuối tuần vợ chồng, con cái đèo nhau lên Bờ Hồ ăn kem, ngắm mặt nước mùa thu long lanh liễu rủ. Hồi ấy trong trường đại học chỉ có vài sinh viên nhà giàu thật giàu mới có xe máy. Còn hầu hết chúng tôi chỉ đi xe đạp.
Chúng tôi đâu ngờ rằng hơn hai mươi năm sau Việt Nam bị ngập trong "vũng lầy" xe máy, ngoài đường đầy những "Ninja" gây khiếp đảm cho các tài xế. Và trong đám Ninja ấy có cả những cô bạn gái thời sinh viên của chúng tôi.
Trong cái ngột ngạt, tắc thở của kẹt xe ở Hà Nội, Sài Gòn, và bây giờ đã lan về Đà Nẵng, Biên Hòa, Vinh, Hải Phòng... chúng ta vẫn quanh quẩn đổ lỗi cho nhau.
Người đi ôtô đổ lỗi cho xe máy gây tắc đường, và ngược lại...
Tôi xót thương cho những phụ nữ là 'Ninja khiếp đảm'
Nhưng Việt Nam của tôi ơi, có một câu hỏi mà tại sao mấy chục năm rồi chúng ta không trả lời được khi thế giới đã giải quyết xong:
Tại sao xe máy là một phương tiện nguy hiểm, không văn minh, rằng "đi ôtô lấy sắt bọc da, đi xe máy lấy da bọc sắt" mà người Việt chúng ta cứ dính chặt vào đấy như giấc mơ của sinh viên nghèo chúng tôi mấy chục năm trước?
Cả đất nước có tới 40 triệu xe máy (hơn hai người dân đi một xe máy), trong khi ôtô cá nhân cũng chỉ hơn ba triệu chiếc. Còn xe buýt trở thành phương tiện công cộng bị rẻ rúng nhất ở đô thị: chỉ dành cho người nghèo và người... nước ngoài.
Một em gái sinh viên hằng ngày đi xe buýt cũng chỉ ước mơ nhanh chóng tốt nghiệp, kiếm việc làm và lao lên xe máy và rồi sẽ hòa mình vào đám người hằng ngày chửi rủa nạn kẹt xe. Và trở thành Ninja.
Các bạn cười cợt những Ninja trên đường, còn tôi chỉ thấy xót thương.
Những Ninja ấy, họ chính là mẹ, là vợ, là em gái, là con gái của chúng ta đấy thôi.
- Tại sao họ cứ phải dãi nắng dầm mưa quanh năm suốt tháng trên xe máy như thế?
- Tại sao họ lại ra nông nỗi ấy?
- Tại sao họ không được váy áo thướt tha phô bày nhan sắc và cặp chân dài trên xe buýt như trong phim Hàn Quốc?
- Tại sao ở các nước văn minh người dân đô thị coi xe buýt công cộng là phương tiện đương nhiên, còn chúng ta thì chỉ biết chửi bới và đổ lỗi?
Người dân chê bai xe buýt nhếch nhác, bẩn thỉu, là hung thần đường phố, và xe buýt bắt họ phải... đi bộ ra bến.
Các công ty xe buýt than thở xe đã sạch sẽ, vé rẻ, tài xế tiếp viên lịch sự hơn xưa nhiều nhưng dân vẫn ít người đi.
Và lỗ vốn nên không thể đầu tư tăng xe, tăng chuyến, tăng bến bãi, tăng thời gian phục vụ (không chạy từ 9h đến 11h đêm).
Ai sẽ trả lời câu hỏi này? Ai sẽ đưa chúng ta ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy?
Xe buýt đi lại hằng ngày cho người dân đô thị, đó là việc mà những người có trách nhiệm có thể làm ngay. Hà Nội, Sài Gòn hãy tăng xe buýt lên gấp mười lần đi, hãy chạy xe buýt đến tận 11h đêm ở khắp các tuyến đường đi.
Tôi tin sẽ rất nhiều người, nhiều Ninja bỏ xe máy đi xe buýt. Đó là điều quan chức các thành phố này có thể làm được như một bước đột phá, dẹp bỏ não trạng 'biết nhưng không thèm làm'.
Nếu không, dù chúng ta có tàu điện, thì đô thị cứ lún mãi vào vũng ầy xe máy đến mức không bao giờ thoát ra được nữa.
Nguồn: VNEXPRESS