Theo ước tính sơ bộ, hàng vạn cây xanh ở các tỉnh miền Bắc nơi cơn bão đi qua đã bị bão quật đổ.
Riêng tại Hà Nội, số cây bật gốc ước tính khoảng 24.000.
"Trồng cây nhưng cây phải sống, sống khỏe, tạo mảng xanh cho đô thị, không phải trồng cho xong việc, sau khi nghiệm thu thì 'sống chết mặc cây'," một bài bình luận đăng trên báo Lao Động hôm 9/9, viết.
Bão Yagi đã ghi nhận kỷ lục là cơn bão giữ cấp siêu bão (cấp 16) lâu nhất trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Cây đổ trơ gốc cụt
Chụp lại hình ảnh,Hàng loạt cây xanh bật gốc ở Hà Nội, trơ bộ rễ bị bó chặt trong các bầu đất, sau cơn bão Yagi
Sau cơn bão, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh cây xanh đổ bật gốc trên nhiều tuyến đường đô thị nơi cơn bão đi qua.
Đặc điểm chung của các hình ảnh này khiến dư luận chú ý là có rất nhiều cây to gãy đổ để lộ ra bộ rễ chùm rất ngắn.
Nhiều cây khác bật gốc để lộ ra toàn bộ phần rễ cây vẫn bị bó chặt trong những bầu đất bằng nilon, bao bố. Rễ cây không thể xuyên qua các lớp bọc này.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề cây xanh Hà Nội được mang ra mổ xẻ.
Sau mỗi cơn bão và các đợt cây bị bật gốc, dư luận lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của các công ty cây xanh trong việc trồng và chăm sóc cây.
Tuy nhiên, mỗi mùa bão qua đi, cây vẫn tiếp tục bật gốc trong khi dư luận đến nay chưa nhận được câu trả lời nào thỏa đáng.
Dư luận cũng nêu vấn đề liệu có nên ngay lập tức cưa các cây bật gốc làm gỗ thay vì trồng lại và chăm sóc.
Ngày 8/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại của bão số Ba đã yêu cầu phải cứu, trồng lại những cây xanh đổ do bão.
Đơn vị trồng cây đúng hay sai?
PGS TS Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - trả lời báo Dân Trí rằng việc bọc gốc cho cây là cần thiết, nếu không cây sẽ dễ bị chết do bị sốc trong quá trình vận chuyển và trồng.
Tuy nhiên, khi trồng xuống đất, lẽ ra phải gỡ lớp lưới này ra, hoặc nếu giữ nguyên thì phải dùng chất liệu bọc tự tan.
Chất liệu này đảm bảo tự tan vào đất trong sáu tháng đến một năm, biến thành bùn giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
Dùng nilon bọc bầu cây sẽ bịt kín hơi, khiến rễ cây không thể phát triển, có thể dẫn đến làm chết cây.
Ngoài ra, đơn vị trồng cây cần đặc biệt chú ý kỹ thuật nén chặt đất vào bầu cây, để khi rễ thoát khỏi bọc sẽ ngay lập tức có sự kết nối với phần đất bên ngoài.
Trả lời báo Lao Động, Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê - Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kĩ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) - nói rằng những cây được lựa chọn trồng ở đô thị phải là những cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu xuống dưới lòng đất. Tuyệt đối không trồng những cây tăng trưởng nhanh.
Về hình ảnh những cây bị đổ còn nguyên bầu đất bọc nilon, bà Thê cũng cho rằng việc này khiến rễ cây không phát triển, khó bám chắc vào đất và dễ gãy đổ.
Cùng chung quan điểm với Tiến sĩ Đông, bà Thê cho hay cần phải sử dụng vật liệu phân hủy được để bọc bầu đất của cây nếu muốn trồng cây giữ nguyên bầu đất.
"Theo đạo đức nghề nghiệp thì không nên làm bọc bầu bằng nilon vì nó không phân hủy được, rễ sẽ không ăn được vào đất," bà Thê nói.
Để tránh cây gãy đổ trong bão, PGS TS Đặng Văn Đông cho rằng với cây to, phải có cọc chống trong thời gian vài năm.
Tuy nhiên, nên hạn chế lấy các loại cây to để trồng ở đô thị, mà ưu tiên các cây có kích thước vừa phải, với đường kính 5- 10 cm, chiều cao 2- 3 mét.
Trao đổi với báo Tiền Phong liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một đơn vị chuyên cây xanh đô thị tại Hà Nội khẳng định, tại tất cả các dự án có cây xanh thì việc đưa cây nhỏ về trồng nguyên bầu là "đúng kỹ thuật". Đợt mưa bão quá lớn vừa qua thì cây bật gốc là điều không thể tránh khỏi.
Ý kiến dư luận
Trong khi đó, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc trồng cây để trong các bầu đất như vậy là không đúng cách, là cách làm gian dối.
Và rằng cơn bão này là cơ hội để "dựng lại cây và dựng lại người".
Tài khoản Cù Mai Công viết trên Facebook:
"Trước đó bốn năm, trận bão số 5 quét qua Huế hồi tháng 9/2020 khiến 15.000 cây xanh, trong đó có cả ngàn cây cổ thụ bị quật ngã, bật gốc, người Huế đã không cưa đoạn làm củi, làm bàn ghế bán mà ra sức trồng lại hàng ngàn cây, tới giờ xanh mơn mởn, cành lá sum suê.
Đây không phải là chuyện khó với người làm vườn lẫn đơn vị trồng cây....
... Riêng về mấy bầu nhựa quanh gốc cây khiến rễ cây bị bó không khó truy lại đơn vị, bộ phận trồng mấy cây đó lẫn những đơn vị làm đường, làm vỉa hè đã chặt, xén rễ… Để xử lý, kỷ luật và bồi thường về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” này. Cũng là một cách răn đe những tái phạm và kiểm tra kỹ hơn việc trồng cây.
Dựng lại nhà, dựng lại cây và quan trọng hơn là cũng cần dựng lại người trồng lẫn kẻ phá."
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook:
"... Nhìn vào các gốc trốc lên ai cũng thấy rõ đó là những bao ni lông phải cả 100 năm sau mới tiêu hủy được. Bằng chứng là sau vài năm trồng các bao ấy vẫn còn nguyên và hoàn toàn không có cái rễ nào xuyên qua bao ấy được. Hầu hết những cây bị bọc rễ ấy phải đâm rễ ra từ phần gốc không bọc bên trên. Đó là lý do tại sao cây đổ dễ dàng. Chưa nói hàng loạt cây khác chẳng thấy gốc và rễ đâu chỉ thấy cắm thân thẳng xuống đất."
Cựu Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đưa ra một số góp ý về cách trồng và chăm sóc cây trên Facebook cá nhân:
"Trồng cây bằng hình thức chiết cành như hình là gian dối. Theo mình thì:
- Nên trồng cây non, chọn cây phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu tại nơi trồng. Cây non giữ được rễ cái, giúp cây đứng vững khi trưởng thành
- Nếu trồng từ bầu cây nên chuẩn bị hố trồng đủ rộng và sâu, đủ chất dinh dưỡng cho cây. Sau khi đặt cây xuống hố phải cắt bỏ bọc ni lông bao dứa để rễ mới phát triển
- Chèn chống bằng khung tam giác hoặc tứ giác để giữ cây không bị lay gốc khi có gió mạnh làm đứt rễ non.
- Trước mùa mưa bão phải cắt tỉa cành để tán cây không quá sum suê , cản gió làm cây dễ gãy đổ.
Ở các thành phố miền Trung có những hàng cây Xà cừ, cây Sao do người Pháp trồng đã trải qua nhiều giông bão tồn tại hàng trăm năm cho tới nay."
Facebook Nguyễn Thùy Dương chia sẻ kinh nghiệm trồng cây xanh lâu năm:
"Thứ nhất, xét về gốc cây bị bật lên thì bầu bứng quá nhỏ so với tán cây. Bầu rễ quá nhỏ khó trụ tạo cân bằng cho cây.
Thứ hai, cây bật gốc là cây rễ cọc hay còn gọi là rễ đuôi chuột. Rễ đuôi chuột một khi đã chặt thì không thể mọc lại. Cây trồng lại vẫn sống nhưng cần diện tích mặt thoáng lớn cho các rễ khác phát triển.
Thứ ba,.. khi thợ đánh gốc bứng cây, sẽ cố định bầu cây bằng lưới hoặc bao để bảo vệ rễ cây. Cây bứng xong có thể để trên mặt đất vài tháng tới vài năm tùy từng loại cây với điều kiện vẫn bọc bầu và tưới nước đều. Nhưng khi xác định trồng lại đàng hoàng thì bắt buộc phải cắt bao, cắt lưới quanh bầu. Nếu không phần rễ bị bọc cứng sẽ không phát triển, nó sẽ bị cỗi đi. Phần rễ gần gốc cây sẽ cố ra rễ để hút dinh dưỡng sinh tồn. Điều này làm cây thiếu cân bằng, giảm tuổi thọ, dễ mục rỗng bên trong..."
"Nếu ai hỏi mình ở Hà Nội và Sài Gòn nên trồng cây gì thì an toàn nhất là trồng cây me con... Sau 5-10 năm ssau cho bóng mát tốt..."
Về chuyện cứu cây, hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần cứu, trồng lại cây gãy đổ, chỉ cây nào không thể cứu được mới bỏ.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên cứu các cây có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, còn lại cây đã đổ nên loại bỏ, trồng cây khác. Quan trọng nhất là chọn đúng loại cây thích hợp với đô thị và trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật.
Nguồn: BBC Vietnam.