Bởi nếu chấp nhận chi tiền cho anh Minh, với bản tính tham lam của người Việt thì chắc chắn sẽ có hàng triệu anh Minh khác xuất hiện. Lúc đó, không chỉ Tân Hiệp Phát mà tất cả các doanh nghiệp trên đất nước này khó có thể tồn tại.
“Tân Hiệp Phát phải phá sản” - đó là mong muốn và cũng là lời kêu gọi của đông đảo người dân đối với tập đoàn có gần 5.000 công nhân và hàng năm đóng thuế nghìn tỉ đồng cho nhà nước.
Tân Hiệp Phát bị chửi rủa bởi hai nguyên nhân chính. Một là tác động để đẩy anh Minh - người bán bún lưu manh vào vòng lao lý. Hai là chất lượng sản phẩm được cho là không đảm bảo.
Thông qua các bình luận độc giả gửi về tòa soạn, nhiều người kêu gọi hãy thả anh Minh và bồi thường tiền cho anh ấy. Họ thấy xót xa khi thấy cảnh “bố con ôm nhau gần vành móng ngựa”.
Người Việt Nam đã chịu nhiều đau đớn qua một nghìn năm Bắc thuộc, sau đó là chế độ thực dân phong kiến và hai cuộc chiến tranh Pháp – Mỹ. Họ bị kẻ thù và những tầng lớp trên đàn áp, đạp xuống bùn sâu của xã hội. Bởi thế nên cho đến bây giờ, tâm lí đồng cảm thương kẻ nghèo, ghét quan chức và người giàu dường như vẫn còn hiện hữu. Nhiều người dân hàng năm có thể vẫn phải nhận trợ cấp của xã hội nhưng lại luôn coi doanh nghiệp như kẻ bóc lột, mặc dù thừa biết không có họ thì xã hội này rất khó khăn.
Không ít người nói rằng, Tân Hiệp Phát sập sẽ có công ty khác thay thế, lo gì! Đấy, họ nghĩ chuyện gây dựng một tập đoàn lớn chuyên về đồ uống vào bậc nhất châu Á dễ như mở một cái quán trà chanh, trong khi đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa sản xuất nổi con ốc vít cho Samsung Hàn Quốc.
Nếu Tân Hiệp Phát chấp nhận chi cho anh Minh 1 tỉ đồng để mua sự im lặng thì chắc chắn, với bản tính tham lam của người Việt, rồi sẽ có hàng triệu anh Minh khác xuất hiện và đố doanh nghiệp nào có thể tồn tại được ở đất nước này.
Anh Minh bị trừng phạt là thích đáng, đó cũng là bài học cho những kẻ tham lam, ích kỷ. Dân Việt Nam giàu chỉ đếm trên đầu ngón tay nên không có chuyện vì nghèo nên tôi đi tống tiền doanh nghiệp.
Vụ con ruồi bên trong chai nước đã được Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận, có dấu vết biến dạng nắp chai nước, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra…
Cơ quan cao nhất về giám định của Việt Nam đã kết luận như vậy nên vụ này coi như chấm hết. Còn về chuyện tại sao thời gian qua xuất hiện hàng loạt sản phẩm của Tân Hiệp Phát bị nổi váng, lợn cợn? Xin thưa, muốn phá Tân Hiệp Phát dễ òm!
Những người quan tâm về vụ việc có thể tìm hiểu, dây chuyền sản xuất nước của Tân Hiệp Phát hiện đại, giống y dây chuyền của Coca Cola. Toàn bộ quá trình chiết rót và đóng chai được thực hiện trong phòng chiết vô trùng. Không khí đưa vào bên trong buồng chiết phải qua ba cấp lọc: lọc thô, lọc tin h và lọc vô trùng để loại bỏ toàn bộ vi sinh vật nên đừng nói ruồi mà ngay cả con muỗi cũng không lọt vào được.
Từ khâu pha chế đến khi cho ra một sản phẩm hoàn thiện không có vấn đề gì. Nhưng khi sản phẩm của Tân Hiệp Phát được đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình dài và rất dễ bị phá hoại.
Tình cảm chính đáng của người Việt và lòng căm phẫn đối với bất công đang bị khai thác và biến thành công cụ lợi dụng cho một đám "cá mập" khác.
Một đại lý phân phối sản phẩm của Tân Hiệp Phát bật mí: Những “ chuyên gia ” về nước ngọt đều biết “thủ thuật” để biến một chai nước bình thường thành nước bị nổi váng, lợn cợn chỉ bằng vài thao tác.
Nhưng khi Tân Hiệp Phát nói doanh nghiệp đang bị phá hoại, nhiều người tiêu dùng không tin, cho rằng đó là lời ngụy biện cho những sản phẩm kém chất lượng.
Tân Hiệp Phát biết rõ ai đang “chơi” mình nhưng không thể nói ra. Bởi lẽ, nếu Tân Hiệp Phát tuyên bố chúng tôi bị người ta phá hoại bằng cách này, cách kia,… thì rất có thể sẽ có nhiều người tiêu dùng tham lam làm theo để đi “tống tiền” doanh nghiệp. Như vậy, Tân Hiệp Phát còn “chết” nhanh hơn là bị tẩy chay, la ó như bây giờ.
Không ai muốn khách hàng của mình vướng vào tù tội, bởi chính họ nuôi sống doanh nghiệp. Tân Hiệp Phát hiểu điều này hơn ai hết nhưng nếu họ chấp nhận những đòi hỏi phi lý của khách hàng, cộng với sự phá hoại không ngừng của các đối thủ thì như đã nói ở trên, sẽ có nhiều anh Minh khác xuất hiện.
Nhà phân tích Lan Anh đã viết: Sự thịnh vượng của một quốc gia, vẫn phải dựa vào nền tảng của hệ thống tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nghĩa là hệ thống các doanh nghiệp và các tế bào của nền kinh tế.
Trong bài toán đường dài quyết định sự thịnh vượng đó, có sự khác biệt mang tính bản chất của lực lượng doanh nghiệp nội địa và lực lượng doanh nghiệp FDI có vốn nước ngoài.
Các doanh nghiệp nội địa, về cơ bản, toàn bộ giá trị mà họ tạo ra, bao gồm lợi nhuận phần lớn đều nằm lại tại Việt Nam, nó chỉ chảy một phần ra nước ngoài đáp ứng nhu cầu đầu tư hay tiêu dùng của nhóm tư bản dân tộc, nhưng hầu hết đều sẽ đọng lại tại Việt nam, vì gia đình, con cái và sự nghiệp của nhóm này đều nằm ở đất nước này. Những giá trị đó bằng kênh này hay kênh khác, rồi sẽ biến thành các nguồn lực tiếp tục làm cường thịnh đất nước.
Nhóm FDI hoàn toàn khác. Chủ sở hữu của nó là những cổ đông nằm ở nước ngoài. Nó tạo ra công ăn việc làm tại bản địa, nhưng về lâu về dài, lợi nhuận được tạo ra bởi các công ty này sẽ chảy về chính quốc. Nếu một đất nước mà thành phần kinh tế FDI chiếm vai trò chủ đạo, thì đó là đất nước mà đại bộ phận dân tộc biến thành lực lượng làm thuê cho các nhà tư bản nước ngoài. Trong bài toán phân phối lợi ích, chúng ta đều rất rõ ràng, lương của người đi làm thuê thường chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị mà họ tạo ra. Không có đất nước nào có thể cường thịnh khi cả nước đi làm thuê cho nước ngoài ngay trên chính quê hương mình.
Do đó, câu chuyện của Tân Hiệp Phát cần phải được kiểm soát, và cộng đồng người Việt cần tránh biến mình thành công cụ bị lợi dụng của một nhóm lợi ích núp sau.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với quý vị: Bạn có thể lựa chọn uống hay không uống nước đóng chai, bạn có thể tiếp tục tẩy chay Tân Hiệp Phát. Nhưng hãy đặt tay lên trán trước mọi hành động, để đừng khiến mình trở thành một con rối bị lợi dụng cho lợi ích của một hoặc một nhóm lợi ích nào đó và hãy chịu khó nhìn xa hơn, vào tương lai, chứ không phải chỉ những gì nằm ngay trước mắt.
Viết Cường