Dù giới chuyên gia cảnh báo Việt Nam cần thận trọng với cây mắc ca nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn ráo riết triển khai.

 

Lợi ích

Đi đầu trong việc triển khai dự án mắc ca là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty Cổ phần Him Lam.

Hai đơn vị này đã tích cực triển khai một loạt hoạt động nhằm phát triển cây mắc ca tại Việt Nam như xúc tiến các thủ tục thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt nam, tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc ca như Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ; tham gia Hiệp hội Mắc ca Úc; thuê chuyên gia nước ngoài và trong nước tư vấn lập chiến lược phát triển mắc ca; tài trợ nghiên cứu cây mắc ca; tiến hành hành nghiên cứu và khảo sát trong nước; xây dựng quy định cho vay mắc ca; tổ chức các chiến dịch truyền thông để độc giả hiểu tiềm năng và hiểu đúng về mắc ca.

Cho đến nay, hai nhà máy chế biến mắc ca sắp hoàn thành. Nhà máy chế biến mắc ca tại Quảng Trị của Tập đoàn Him Lam đã hoàn thành 90% và dự kiến quý 1/2016 sẽ đưa vào sử dụng. Công ty Him Lam cũng đã xây dựng hai vườn ươm lớn tại tỉnh Lâm Đồng có công suất một triệu cây giống/năm/vườn. Nhiều tỉnh Tây Nguyên đã công bố quy hoạch trồng cây mắc ca.

Việt Nam chưa tỉnh giấc mơ mắc-ca: Hậu quả sẽ nặng nề - 0 "Quan trọng nhất là các đơn vị trên nhìn thấy có thị trường tiêu thụ thì người ta làm. Cảnh báo của các nhà khoa học cũng chỉ là... cảnh báo để người ta thận trọng chứ không chính xác 100%. Nếu thị trường thế giới phát triển, bán được thì dẫu chính sách nào đi nữa, doanh nghiệp, người dân vẫn trồng. Bảo quản hạt mắc ca rất khó, bây giờ có nhà máy tức là có người mua, nếu thất bại thì nhà máy thất bại trước. Phải có chỗ tiêu thụ thì họ mới xây dựng nhà máy chế biến", GS.TS Nguyễn Ngọc Lung nói.Lý giải điều này, GS.TS Lê Đình Khả, Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam và GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng đều cho rằng các đơn vị trên là doanh nghiệp nên phải xuất phát từ lợi ích của mình, thấy có lợi thì làm.

Đứng từ phía người trồng, ông Lung nhấn mạnh, đương nhiên khi nhìn thấy có nhà máy chế biến thì người dân càng tin tưởng để trồng. Và khi trồng, điều đầu tiên là phải có giống thì phía doanh nghiệp đã có vườn ươm cung cấp cây giống, còn đất thì ở trên đó luôn có sự tranh chấp.

Cụ thể, cùng một mảnh đất, nếu thấy mắc ca lãi hơn thì người dân sẽ trồng mắc ca, nếu cao su lãi hơn thì lại trồng cao su... tức nó luôn thay đổi theo thị trường thế giới.

Cũng bàn về câu chuyện ông chủ của dự án Mắc ca tỷ đô ở Điện Biên vừa bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Kinh doanh trái phép, theo GS Nguyễn Ngọc Lung đây là một cảnh báo để người dân cẩn trọng hơn khi muốn đầu tư vào mắc ca.

"Nếu không có sự thực này thì rất khó tuyên truyền cho người dân. Xã hội biến hóa rất khoa học, nếu chỉ khuyến khích người dân trồng thì lúc thất bại sẽ thất bại hết, còn bây giờ có người lãi, người lỗ, người kế hoạch tốt, người kế hoạch không tốt... sẽ cho người dân có cái nhìn khách quan hơn, người ta sẽ không tin vào những lời nói để trồng mắc ca quá mức nữa.

Người tuyên truyền có trách nhiệm dẫn chứng cho người dân biết giá mắc ca thế giới như thế nào nhưng thực tế điều đó không ai nói cho ai biết cả. Không ai quản lý được giá thế giới, giá thế giới theo các trào lưu tiến triển khác nhau, lúc lên lúc xuống.

Như trường hợp của cao su trước đây, lúc đắt lên ai cũng đổ xô chặt rừng trồng cao su, nhưng cao su phải 6-7 năm mới cho khai thác. Hay mắc ca phải 3-4 năm mới bói quả, 4-5 năm mới thu hoạch tốt...

Các loại cây này bỏ đi rất khó, mà khi thất bại có quay lại cũng đã muộn vì rừng đã mất, cuối cùng chỉ có nông dân là phải chịu thiệt hại nhất", GS.TS Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh.

Đừng tuyên truyền mắc ca là "cây tỷ đô"

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung lưu ý, không thể tuyên truyền mắc ca là "cây tỷ đô" bởi như thế người dân sẽ đổ xô đi trồng để rồi đến lúc bán không được thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề và người dân phải gánh chịu hết.

"Vốn đất chỉ có bấy nhiêu, nếu trồng toàn bộ cây này thì mất cây kia. Chính vì thế phải hài hòa, tức cây gì cũng có để mất mùa cây này còn được cây khác, để không đến mức khi thành công thì cực lớn, còn lúc thất bại thì chết đói luôn.

Về mặt  khoa học không phủ nhận hiệu quả và năng suất của cây mắc ca tuy nhiên để đưa vào trồng đại trà, phải nhìn lại bài học của các loại cây đi trước như cao su, cà phê... để có cái nhìn thận trọng hơn.

Điều quan trọng ở đây là phải tuyên truyền hướng dẫn người dân trồng có mức độ, ai trồng tốt, năng suất cao thì hẵng trồng. Viện điều tra quy hoạch rừng chỉ đề xuất trồng 200.000 ha mắc ca, chủ yếu trồng xen vào vườn café, như vậy là vừa phải, nếu vượt quá tự dưng giá sẽ rẻ đi".

Trong khi đó, GS.TS Lê Đình Khả cho biết, quan điểm của Bộ NN&PTNT là trước hết chỉ nên trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công. Đến năm 2020, định hướng diện tích trồng tập trung khoảng 10.000 ha. 

"Khi trồng mắc ca phải chú ý 3 điều: trồng ở đâu? giống thế nào? và quan hệ cung-cầu trên thị trường.  Hiện có một số nơi trồng thử mắc ca không thành công như Đồng Hới, Quảng Ninh. Riêng về giống mắc ca, người ta quảng cáo rất lung tung chỉ cốt để bán được hàng.

Họ quảng cáo trồng cây hạt nhưng như thế chỉ có lợi cho họ, còn người dân về sau rất khổ vì năng suất thấp. Năng suất cây hạt chỉ bằng một nửa so với cây ghép lấy từ giống chọn lọc", GS.TS Lê Đình Khả chỉ rõ.

Thành Luân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC