Trong 10 năm (2005-2015), có 15 tỉ USD vốn ODA được chính phủ vay về cho các địa phương đầu tư vào các chương trình, dự án của địa phương. Địa phương thực hiện thế nào?
Có 92,2% trong 15 tỉ USD vốn ODA (tương ứng khoảng 14 tỉ USD) trung ương cấp phát cho các địa phương.
Nội dung này được nhấn mạnh tại họp báo về cơ chế sử dụng vốn ODA được bộ Tài chính tổ chức ngày 22-3.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cơ chế sử dụng vốn ODA chủ yếu dựa vào cấp phát đang đặt ra nhiều hạn chế.
Theo đó, một loạt dự án dàn trải, tình trạng chậm tiến độ, đội vốn diễn ra rất phổ biến trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, chính vì Trung ương cấp phát vốn nên trong thời gian dài nên, nhiều địa phương đã ỷ lại, sử dụng vốn kém hiệu quả. Trong khi đó, trung ương phải chịu toàn bộ rủi ro.
Với thực trạng trên, theo ông Long, sẽ phải chuyển sang cơ chế cho chính quyền vay lại chứ không cấp phát, cho không như lâu nay nữa.
Nhất là dự kiến đến tháng 7-2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA mà phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường, tức là vay thương mại.
Khi đó, nguồn vốn ODA đã vay phải rút ngắn thời gian trả nợ từ 30-40 năm xuống 15-20 năm hoặc tăng lãi suất lên 2% - 3,5%, thay vì mức trước đó dưới 1%/ năm.
Theo TUOITRE.VN