Đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng: “Với hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức trong số 8 triệu người ăn lương, hàng năm ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc chưa cao”.
Trung ương Đảng cũng đã ra Nghị quyết 18, qua đó đặt mục tiêu giảm 400 nghìn biên chế trong 4 năm tới.
Biên chế khu vực công là chủ đề nóng không chỉ ở Việt Nam. Người dân nhìn chung có thái độ nghi ngờ về hiệu quả của khu vực này, vốn không dễ để tính toán rạch ròi bằng chi phí - doanh thu như với trường hợp doanh nghiệp.
Vì thế, trước khi xem xét hiệu quả của 2 triệu cán bộ nước ta, hãy thử so sánh bộ máy công - viên chức ở Việt Nam với các quốc gia khác, từ số liệu của Ngân hàng Thế giới thu thập trong năm ngoái.
Theo đó, Việt Nam ở trong top đầu của nhóm nước Asean, với 4,8% công chức trên dân số (tương đương mức 20 người dân sẽ có 1 công chức – viên chức hưởng lương), nhỉnh hơn Thái Lan, Nhật Bản và bỏ xa các nước còn lại.
Tuy nhiên, ngoài số lượng lao động khu vực công ở Việt Nam còn có hai câu hỏi lớn.
Thứ nhất là vấn đề đánh giá hiệu quả công việc của công chức, viên chức. Trong nhiệm kì trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cho rằng
“Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Thứ hai, việc tách bạch giữa số lao động công chức (thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước) và viên chức (trong các đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế).
Hiện tại, tổng số lao động khu vực công là 5,2 triệu người, trong đó, số viên chức chiếm tới một nửa (2,5 triệu người), chưa tính đến số lao động trong các doanh nghiệp nhà nước.
Số lượng công chức là khoảng 1 triệu người (con số thống kê gần nhất của Tổng cục Thống kê, thực hiện vào năm 2012 là 942 nghìn người).
Số lượng biên chế viên chức nhiều có thể là minh chứng cho chính sách xã hội hoá dịch vụ công chưa hiệu quả.
Nguồn: VnExpress