Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Bộ Ngoại thương UAE (thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn của UAE vào ngày 3-12 - Ảnh: NHẬT BẮC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, người trực tiếp tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28) và các hoạt động song phương tại UAE, cho biết CEPA là một hiệp định được lãnh đạo chính phủ hai nước rất quan tâm.
* Xin ông chia sẻ về triển vọng kết thúc đàm phán, hướng đến ký kết CEPA sau chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
- Từ khi khởi động đàm phán vào tháng 6-2023 đến nay, Việt Nam và UAE đã trải qua ba phiên đàm phán.
Nội dung hiệp định gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại số, phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), các vấn đề hàng rào kỹ thuật trong thương mại, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm của chính phủ, các vấn đề về pháp lý - thể chế, hợp tác kinh tế và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với các nội dung này, CEPA được đánh giá là một hiệp định toàn diện và hứa hẹn đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và UAE.
Đến nay, hai bên đã đạt được các tiến bộ quan trọng, trong đó có việc ký biên bản làm việc về gói nội dung kết thúc đàm phán để báo cáo cấp trên. Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự COP28 tại UAE được phía bạn coi là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa quyết định để hai bên có thể thống nhất việc kết thúc đàm phán ở cấp chính trị.
Cùng với việc đạt được thống nhất chung, các nhà lãnh đạo hai bên sẽ chỉ đạo cấp kỹ thuật nhanh chóng hoàn tất các nội dung kỹ thuật còn lại cũng như thúc đẩy các thủ tục trong nước để hướng tới ký, phê duyệt và thực thi CEPA phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên.
* CEPA sẽ tạo những cú hích nào trong thương mại và đầu tư giữa hai nước?
- CEPA là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Đây là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực.
UAE là đất nước có vị trí chiến lược nằm tại cửa ngõ giao thương giữa ba châu lục Á - Âu - Phi và là một trong những trung tâm thương mại - tài chính của thế giới cũng như khu vực.
Nhờ có chính sách cởi mở, môi trường kinh doanh thông thoáng, UAE đang trở thành một thị trường trung chuyển quốc tế quan trọng qua đường hàng hải và hàng không. Do đó, nền kinh tế UAE luôn có mức tăng trưởng ổn định với thu nhập bình quân đầu người đạt mức rất cao.
Những năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị trên 4 tỉ USD/năm. Trong cơ cấu giao thương giữa hai nước, nhập khẩu của Việt Nam từ UAE chiếm khoảng 8 - 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, còn xuất khẩu từ Việt Nam sang UAE chiếm trên 90%.
Bên cạnh vai trò là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, UAE còn đóng vai trò là trạm trung chuyển hàng hóa, giúp đưa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực Trung Đông và châu Phi nhờ có vị trí chiến lược là trung tâm tái xuất khẩu hàng đầu trong khu vực.
Hiện tại, UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát huy hơn nữa tiềm năng của hai nền kinh tế vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau.
* Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của CEPA giúp chúng ta khai mở thị trường Trung Đông vốn đang "ngủ quên" chưa được khai mở?
- CEPA được trông đợi là một bước tiến trọng yếu trong lộ trình tăng cường quan hệ đối tác chính trị toàn diện và sâu sắc giữa hai bên, đặc biệt là quan hệ thương mại - đầu tư.
Việc ký kết FTA với một đối tác phát triển mạnh về công nghệ, dịch vụ, tài chính như UAE cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, nguồn vốn dồi dào, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, kinh doanh dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh - xã hội cho nước ta.
Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy các chương trình hợp tác mang tính thiết thực sau khi có CEPA như việc đàm phán hiệp định bảo hộ và xúc tiến đầu tư giữa hai nước, hợp tác để hàng nông sản của Việt Nam có chứng chỉ Halal khi đi vào thị trường các nước Hồi giáo...
Tuy nhiên, việc ký kết CEPA với UAE sẽ chỉ là bước đầu trong việc thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn nữa giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh. Đây là khu vực có quy mô kinh tế hơn 2.000 tỉ USD và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nắm nguồn tài nguyên dầu hỏa cũng như nguồn vốn đầu tư khổng lồ.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia vào cuối tháng 10 vừa qua và công tác UAE lần này đã cho thấy Việt Nam sẵn sàng là cầu nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và các nước GCC.
Đây là những quốc gia quan trọng ở khu vực, là tiền đề để Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ vì hòa bình, hợp tác và phát triển, khai mở các cơ hội vào khu vực Trung Đông.
UAE muốn chuyến bay thẳng đến Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết bộ đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực du lịch với Bộ Kinh tế UAE. Phía UAE cũng đề xuất hai bên nên tăng cường các chuyến bay thẳng, không chỉ kết nối các thành phố lớn mà còn cả giữa các thành phố nhỏ hơn của Việt Nam và UAE.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online