Chiều 7/1, Quốc hội thảo luận đánh giá thực hiện nghị quyết 30 và đề xuất chuyển tiếp một số chính sách. GS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và truyền máu Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã thành công trong chiến lược ngoại giao vaccine, nhờ đó Covid-19 được kiểm soát căn cơ, bài bản.
Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi, vì sao đến giờ Việt Nam chưa sản xuất được vaccine Covid-19?
Một trong những nguyên nhân ông Trí nêu ra là các công ty tư nhân dù tốt, có nhiều tiền nhưng chưa được như các đơn vị nhà nước. "Tại sao chúng ta không tập trung các nhà khoa học để nghiên cứu, tiếp thu kiến thức của thế giới về sản xuất vaccine? Chúng ta có thể mời chuyên gia quốc tế, mua công nghệ để có nhà máy sản xuất vaccine ngay", ông Trí nói và cho rằng Chính phủ, Bộ Y tế phải vào cuộc trực tiếp việc này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Media Quốc hội
Nhận định Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ông Trí đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm tổ chức hệ thống sản xuất vaccine bài bản, quy củ để phục vụ đất nước. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam có nhiều đơn vị tham gia thử nghiệm, sản xuất vaccine.
Đến cuối năm 2021, vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen nghiên cứu, đang nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp nhưng chưa được chấp thuận. Vaccine ARCT-154 do tập đoàn Vingroup tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ và vaccine của Công ty Shionogi Nhật Bản, cũng đang thử nghiệm. Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Sputnik V.
Trong khi đó, vaccine Covivac đã tạm ngừng thử nghiệm giai đoạn ba do khó tìm tình nguyện viên đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay chưa có vaccine Covid-19 trong nước nào được đưa ra thị trường phục vụ người dân.
Thảo luận tại hội trường chiều nay, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương) nêu vấn đề tại thời điểm chống dịch như chống giặc, mọi kế hoạch đều cấp bách vì sinh mạng người dân. Quốc hội đã cho phép mua sắm cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng tình huống dịch phức tạp, nhưng không để tiêu cực, lãng phí. Vì vậy, nhiều địa phương đã mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế theo tinh thần này.
Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nhưng việc giải quyết thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế dư thừa còn chậm. Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập nội dung này. Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ có giải pháp kịp thời, tránh lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh: Media Quốc hội
Một trong những giải pháp bà Xuân nêu ra là nhanh chóng chuyển mục đích sử dụng thuốc còn hạn dùng đã được mua bằng ngân sách nhà nước hoặc nguồn tài trợ, để sử dụng cho bệnh nhân, nhằm thu hồi ngân sách nhà nước. "Một số thuốc, vật tư sắp hết hạn sử dụng, nếu không có cơ chế kịp thời sẽ phải hủy bỏ, gây lãng phí", bà Xuân nói.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá để tổng hợp số lượng thuốc mua sắm phục vụ chống dịch trên toàn quốc. Bộ Y tế đã có tờ trình Chính phủ về điều chuyển vật tư, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước cho chống Covid-19 sang khám chữa bệnh thông thường. "Tinh thần là tránh lãng phí ngân sách, đảm bảo đủ thuốc", bà nói.
Viết Tuân - Sơn Hà
Nguồn: VNEXPRESS.NET