Tỷ lệ lạm phát năm của Việt Nam đã tăng lên 4,44% vào tháng 5/2024, đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2023, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

1 Viet Nam Lam Phat Tang Cao Nhat Trong Vong 16 Thang

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Mức 4,44% đã gần chạm mức trần kiểm soát lạm phát của năm 2024 là 4,5% do Chính phủ đề ra

Mức 4,44% đã gần chạm mức trần kiểm soát lạm phát của năm 2024 là 4,5% do Chính phủ đề ra và có thể gây ra khó khăn cho các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để kích thích hoạt động kinh tế, theo Reuters.

Hồi tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 ở mức 4 - 4,5%.

Đầu tháng 5/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương có biện pháp hợp lý để kiểm soát tình trạng lạm phát trong giới hạn 4 - 4,5% theo đúng nghị quyết nói trên.

Theo một bài viết ngày 29/5 trên Bloomberg, điều này sẽ gây gây áp lực lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn và giá điện tăng là hai nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao trong tháng Năm.

Lạm phát đã duy trì trên mức 4% liên tiếp hai tháng, ngay cả khi tỉ giá giữa VND/USD tăng lên mức cao kỷ lục và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 15,8% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái lên 32,81 tỷ USD, dẫn đầu là hàng điện tử và điện thoại thông minh.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước tính tăng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 33,81 tỷ USD.

Như vậy, Việt Nam có mức thâm hụt thương mại là 1 tỷ USD trong tháng 5/2024.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6,5%, cao hơn mức 5,05% của năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nhắm tới mức tăng tín dụng 15% để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Reuters, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng khối lượng cho vay.

Reuters trích dự báo của Công ty tư vấn Oxford Economics rằng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng sẽ không tạo ra sự thúc đẩy đáng kể tới tăng trưởng GDP.

"Mức lãi suất của Mỹ, đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, có khả năng sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

“Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu nhìn chung là yếu.

"Chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP năm 2024 [của Việt Nam] sẽ không đạt được mục tiêu 6,0-6,5%,” Reuters dẫn đánh giá của Oxford Economics.

Cần kiểm soát lạm phát ngay

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cải cách tiền lương từ ngày 1/7, được nhiều đại biểu quan tâm.

Ngày 23/5, đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, nêu ý kiến:

“Cần kiểm soát tốt lạm phát, nhất là tới tháng Bảy khi thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương… Cán bộ công chức không khỏi lo lắng khi lương tăng, giá vàng cũng tăng.

“Do vậy, cần quan tâm thêm chính sách tín dụng và mong rằng Chính phủ quan tâm chỉ đạo ngành ngân hàng.”

Cũng trong phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần quan tâm hơn tới thị trường vàng và tỷ giá USD.

Theo ông Mẫn, việc giá vàng và tỷ giá USD tăng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

Tính từ ngày 22/5, giá vàng trong nước, sau khi giảm trong hai ngày 23 và 24/5, tiếp tục đà tăng.

Hôm nay 29/5, vàng miếng SJC có giá mua vào là 88,9 triệu VND và giá bán ra là 90,9 triệu VND.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, đã nêu nhận định rằng áp lực lạm phát năm 2024 là không nhẹ.

“Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đang xem xét dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tuy nhiên tôi cho rằng thời điểm này không nên nghĩ đến chuyện tăng thuế giá trị gia tăng,” báo Hà Nội Mới dẫn lời đại biểu Cường.

Trong một diễn biến liên quan, sáng nay 29/5, khi nêu ý kiến về thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nói rằng nhiều mặt hàng dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập.

Ngày 27/5, phóng viên TTXVN đã trao đổi với một số đại biểu xung quanh vấn đề kiểm soát lạm phát.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre, cho rằng việc kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô.

Bà Nhi cũng nhắc tới việc tăng lương vào tháng 7 tới có thể khiến nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng theo. Do đó, Chính phủ cần có chính sách điều hành vĩ mô hợp lý để kiểm soát vấn đề lạm phát.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang, nói với TTXVN rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát là rất căng "nhưng vẫn khả thi”.

Nguồn: BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC