Theo Chiến lược năm 2030 về thị trường gạo được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành, Việt Nam muốn giảm sản lượng xuất khẩu gạo từ 7,1 triệu tấn (năm 2022) xuống còn 4 triệu tấn trước năm 2030, giá trị xuất khẩu dự kiến giảm khoảng hơn 1 tỷ USD.

1 Viet Nam Muon Giam Xuat Khau Gao Xuong Con 4 Trieu Tannam Truoc 2030

Trong 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 43% so với cùng kỳ. (Ảnh: moit.gov.vn)

Theo đó, với chiến lược này, Việt Nam mong muốn giảm sản lượng xuất khẩu gạo ra nước ngoài và tăng giá bán đi kèm với chất lượng gạo nâng cao hơn hiện nay.

Năm 2022, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, mang về 3,65 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.

Với chiến lược giảm sản lượng về 4 triệu tấn/năm, ngành gạo Việt Nam dự kiến thu về 2,6 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2023 – 2025, mục tiêu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu của Việt Nam trên 20%. Trong giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu phải trên 40%.

Ngoài ra, văn bản đề ra việc tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối là mục tiêu mà chiến lược chú trọng; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

Theo TS. Đặng Kim Sơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diện tích trồng lúa đang giảm dần bởi tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn tăng lên, nguồn nước ngọt hạn chế, báo Dân Việt đưa tin.

Trong khi với quy mô diện tích trồng lúa trên bình quân đầu người của Việt Nam vào loại nhỏ nhất thế giới hiện nay thì dù có tăng vụ, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế đem lại cũng không cao được.

Ở một số địa phương trồng lúa đang có xu hướng khai báo sai diện tích, không chủ động, không tích cực bảo vệ đất lúa. Thực tế hiện nay, nếu kiểm kê số liệu và bản đồ đo bằng vệ tinh thì số liệu sẽ khác nhiều so với báo cáo thống kê, ông Sơn cho biết.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đạt 2,95 triệu tấn với giá trị 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản lợi thế của Việt Nam.

Một số mặt hàng nông sản khác cũng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm 2022 như: cà phê tăng 2,5%; rau quả tăng 19,4%; hạt điều tăng 3,4%.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng vẫn đối mặt với khó khăn, có giá trị xuất khẩu giảm như: xuất khẩu cao su đạt 684,8 triệu USD, giảm 20,1%; hồ tiêu đạt 325 triệu USD, giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 453 triệu USD, giảm 12,1%; mây, tre, cói thảm 245 triệu USD, giảm 29,2%…

Tuấn Minh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC