Với một số ý kiến tại Hội đồng Nhân quyền dựa trên các nguồn tin chưa kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước.

1 Viet Nam Nhan Manh Khong Co Mo Hinh Chung Cho Cac Nuoc Tai Hoi Dong Nhan Quyen

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trình bày báo cáo quốc gia Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 7-5 - Ảnh: TTXVN

Ngày 7-5, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve (Thụy Sĩ).

Cùng tham gia có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hơn 130 nước dự phiên đối thoại với Việt Nam

Theo thông tin từ đoàn Việt Nam tham dự đối thoại, phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ lòng tự hào của đoàn Việt Nam khi đối thoại với các nước đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneve, nơi chứng kiến quá trình đàm phán và ký kết hiệp định cùng tên năm 1954.

Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới.  

Với phiên đối thoại, ông Đỗ Hùng Việt khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào năm 2019, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế.

Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, Internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ số về phát triển con người, bình đẳng giới của Việt Nam do các cơ quan Liên Hiệp Quốc xếp hạng liên tục được cải thiện.

Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.

"Với những giá trị và cam kết nêu trên, cùng vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đang ứng cử làm thành viên hội đồng nhiệm kỳ 2026 - 2028, những ưu tiên của chúng tôi là tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy quyền sức khỏe, quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, giải quyết mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người, và đẩy mạnh giáo dục về quyền con người...", ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.

Phiên đối thoại được các nước quan tâm cao, với hơn 130 nước tham gia và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn, thực chất. Một số nước chúc mừng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.

Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.

300 khuyến nghị cho Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền

2 Viet Nam Nhan Manh Khong Co Mo Hinh Chung Cho Cac Nuoc Tai Hoi Dong Nhan Quyen

Thành viên đoàn Việt Nam giải đáp, cung cấp các thông tin xác thực tại phiên đối thoại - Ảnh: TTXVN

Cũng tại phiên đối thoại, đoàn Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi, cung cấp thêm thông tin về các vấn đề được các nước quan tâm.

Trong đó có nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, phát triển của Internet và mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền của người lao động,...

Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt.

Đồng thời đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, và tùy theo đặc thù, điều kiện của mình mà mỗi nước sẽ có con đường phát triển riêng.

Việt Nam tự tin tiếp bước trên con đường đã chọn để xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản.

Tại phiên đối thoại, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người.

Sau phiên đối thoại, ngày 10-5, Nhóm công tác về UPR của Hội đồng Nhân quyền sẽ họp để xem xét thông qua báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam. Báo cáo sau đó sẽ được trình Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chính thức thông qua tại khóa họp thường kỳ lần thứ 57 diễn ra vào tháng 9 và tháng 10-2024.

Được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập từ năm 2006 và tiến hành lần đầu tiên vào năm 2008 với định kỳ bốn năm rưỡi một lần, UPR là cơ chế liên chính phủ với nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Cơ chế hoạt động dựa trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng.

Việt Nam tham gia đầy đủ các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị nhận được.

DUY LINH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC