Nhân viên mời sếp ra tòa
Vụ việc "cô giáo uống thuốc tự vẫn" ở TPHCM kiện Trường THCS Hoàng Quốc Việt gây chú ý những ngày qua.
Đây là vụ án về lao động, "tranh chấp hủy quyết định buộc thôi việc trái pháp luật và tiền lương, thu nhập tăng thêm và tiền theo Nghị quyết 03" với người đứng đơn là bà Võ Thị Như Hoa, giáo viên Trường THCS Hoàng Quốc Việt kiện hiệu trưởng trường này.
Theo đơn kiện, bà Hoa yêu cầu nhà trường hủy quyết định buộc thôi việc vào cuối năm 2021 đối với bà và chi trả các khoản tiền, tính cả lãi phát sinh lên đến hơn 300 triệu đồng.
Trước khi bị buộc thôi việc, vào đầu tháng 12/2021, bà Hoa từng uống thuốc tự tử ngay tại trường để phản đối quyết định kỷ luật của hiệu trưởng.
Bà Võ Thị Như Hoa trước giờ vào phiên xử vụ kiện hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt, TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).
Giữa phiên tòa, không khí không khỏi căng thẳng khi nguyên đơn là giáo viên, bị đơn là lãnh đạo nhà trường. Mối quan hệ công sở, mối quan hệ đồng nghiệp, mối quan hệ giữa nhân viên và sếp giờ thành hai bên đối mặt nhau trước tòa. Hai bên không ngừng đưa ra lý lẽ, bằng chứng để bảo vệ mình và phản bác lại phía bên kia.
Thực tế, đây không phải sự việc cá biệt về chuyện nhân viên kiện sếp ra tòa. Những tranh chấp lao động phát sinh rất thường xuyên trong cuộc sống mà sếp và nhân viên phải đưa nhau ra tòa... nói chuyện, dùng pháp luật để giải quyết mâu thuẫn.
Cũng ở lĩnh vực giáo dục, cách đây không lâu, tại TPHCM, thầy giáo dạy văn Phạm Quốc Đạt đã kéo hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản ra tòa.
Ông Đạt kiện về quyết định kỷ luật ông với hình thức cảnh báo, bị đình chỉ bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm khác trong thời gian 12 tháng.
Theo quyết định này của trường, ông Phạm Quốc Đạt sai phạm trong hoạt động chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Trong đó có sự việc ông Đạt tổ chức hoạt động sân khấu hóa môn văn, cho học sinh diễn kịch tái hiện "cảnh nóng" trong một số tác phẩm như "Bỉ vỏ", "Xuân tóc đỏ"...
Giữa năm 2022, tại Đồng Nai, nhân viên bảo vệ Trịnh Văn Lợi bị công ty sa thải trái pháp luật thắng kiện với số tiền bồi thường hơn 173 triệu đồng. Đồng thời, tòa buộc người sử dụng lao động phải nhận nam bảo vệ trở lại làm việc.
Theo thông tin sự việc, sau thời gian gần 2 năm gắn bó, công ty điều động ông Lợi đến làm việc tại địa bàn khác. Ông Lợi không đồng ý nên bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động.
Bị sa thải, lại vào thời điểm đợt dịch bệnh Covid-19, cuộc sống ông Lợi rơi vào cảnh khó khăn. Ông tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai và được hỗ trợ miễn phí để khởi kiện và thắng kiện.
Gần đây, TAND TP Thủ Đức, TPHCM cũng từng xét xử vụ án nữ nhân viên Phan Thị Thanh Xuân kiện công ty Coca-Cola Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sai quy định sau 8 năm gắn bó.
Cuối cùng, bà Xuân thắng kiện khi tòa buộc phía doanh nghiệp phải thanh toán tổng số tiền trên 300 triệu đồng cho người lao động.
Học cách giải quyết bằng pháp luật: Không dễ!
Hiện nay, việc nâng cao kiến thức pháp luật để người lao động hiểu luật cũng như nắm rõ về quyền lợi của mình được chú trọng. Từ công đoàn cơ sở cho đến các tổ chức xã hội, có không ít hoạt động truyên truyền về pháp luật, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong các tranh chấp pháp lý.
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM chia sẻ, hiện nay, ngoài các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, các nhóm kỹ năng, nhân sự còn cần phải nắm rõ về nội quy, quy định, tác phong lao động cũng như phải hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động.
Phiên xử thầy giáo Phạm Quốc Đạt kiện hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Ảnh: Hoài Nam).
Khi nắm được luật, người lao động sẽ hiểu được quyền và giới hạn của doanh nghiệp, của cấp trên và của chính bản thân để có sự điều chỉnh cũng như biết lên tiếng đòi quyền lợi đúng cách, có cơ sở.
Ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó giám đốc nhân sự tại một công ty thực phẩm ở TPHCM cho hay, người Việt hay quan niệm "một trăm cái lý không bằng một tý cái tình". Quen nói chuyện bằng "tình" đôi khi khiến người ta bỏ quên việc giải quyết vấn đề bằng lý trí, nguyên tắc, quy định pháp luật...
Theo ông Quân, mọi người cần nhìn nhận, trong mối quan hệ công việc, việc kiện nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp là chuyện hoàn toàn bình thường. Điều này thể hiện sự văn minh, thượng tôn pháp luật, tránh những ấm ức, xung đột hay trò chơi xấu sau lưng không đáng có.
Người này nhấn mạnh, sau những phiên tòa, thời gian đối đầu trong quá trình tố tụng, khi trở lại công việc, nhiều người vẫn tiếp tục là đồng nghiệp, quan hệ cấp trên cấp dưới...
Người trong cuộc, cả bên kiện và bên bị kiện, nên đánh giá vấn đề một cách khách quan, lý trí để tránh những mặc cảm, thậm chí là ác cảm không đáng có.
Tuy nhiên, ông Quân thừa nhận: "Đồng nghiệp, đặc biệt là giữa nhân viên và sếp đã đưa nhau ra tòa thì sau đó không dễ làm việc, hợp tác. Thực tế, những phiên tòa có khi cũng là dấu chấm hết cho mối quan hệ này. Đây là điều mỗi người cần sự chuẩn bị để có những phương án chủ động".
Như sự việc thầy giáo "cho học trò tái hiện cảnh nóng" kiện nhà trường nói trên, khi thẩm phán tuyên đình chỉ vụ án, ông Phạm Quốc Đạt đã lập tức rời tòa...
Sau phiên xử, ông Đạt nghỉ việc với nỗi đau "làm sao có thể tiếp tục ở lại trường?".
Điều này để lại nhiều trăn trở nặng lòng cho những người quan tâm đến sự việc. Bởi giá như trước đó, cả hai bên, thầy giáo và lãnh đạo trường cùng nhìn nhận, thông cảm cho nhau hơn thì có thể mâu thuẫn không đáng bị đẩy đi xa đến thế...
Nguồn: Báo điện tử Dân trí