Trước hết, phải nói là tôi không nghi ngờ gì về chuyên môn của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), và cho đến nay Thanh tra Bộ cũng chưa có điều tiếng lớn nào. Tôi cũng không có chuyên môn về thanh tra, vì vậy, ở đây nếu có điều gì sơ xuất về nghiệp vụ thì tôi thành thực xin lỗi. Tôi cũng không có ý định “đánh trống qua cửa nhà sấm”, hay “cầm đèn chạy trước ô tô”. Mong các thầy thanh tra Bộ và anh chị em thông cảm.
Trường Đại học Luật Hà Nội là trường đại học công lập đào tạo luật pháp hàng đầu của Việt Nam, trực thuộc Bộ Tư pháp và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Wikipedia). Vì vậy Bộ GD-ĐT đương nhiên có quyền thanh tra các vấn đề giáo dục và đào tạo ở trường này ở các cấp đại học và sau đại học.
CÁC NỘI DUNG CẦN THANH TRA
Vụ việc Nghiên cứu sinh (NCS) tiến sĩ Vương Tấn Việt (VTV), tức thượng tọa Thích Chân Quang hoàn thành thần tốc luận án Tiến sĩ Luật học chỉ trong 2 năm tại Trường ĐH Luật HN đã gây chấn động lớn trong dư luận xã hội. Nhiều nghi vấn được đặt ra. Nhiều uẩn khúc cần làm sáng tỏ. Nhiều góc cạnh từ văn bằng, tuyển sinh đầu vào, quá trình học tập và quy trình bảo vệ luận án, thu thập phiếu điều tra để làm tư liệu, quan điểm học thuật, đóng góp mới của luận án, tác giả đích thực của luận án, quan hệ thầy trò, đều cần được soi chiếu, mổ xẻ, thanh tra làm rõ và kết luận khách quan.
1.- Thanh tra các văn bằng:
Theo QĐ ban hành năm 1975 chứ không phải vào sổ năm 1975
Cần thanh tra tất cả các văn bằng có trong hồ sơ và khai trong hồ sơ:
Văn bằng gồm:
Bằng tốt nghiệp Cấp ba Bổ túc văn hóa,
02 văn bằng Đại học: Văn bằng 1 là Ngoại ngữ và Văn bằng 2 là Luật học.
Ở đây có hai nghi ngờ: Thứ nhất là Bằng cấp Ba, hiện chưa biết đó là bằng thật hay ngụy tạo. Văn bằng đại học 1 thì hiện chưa rõ có hay không, vì trong ngày bảo vệ luận án, Thư ký Hội đồng (HĐ) đọc là tiếng Anh điểm thi IELTS 6.0, vậy có hợp lệ không?
Riêng đối với bằng tốt nghiệp cấp Ba của ông VTV, nếu cần sẽ phải trưng cầu kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an).
2- Thanh tra hồ sơ tuyển sinh:
Hồ sơ tuyển sinh của NCS nộp gồm những gì, xác nhận nộp hồ sơ giao cho NCS và vào sổ của HĐ tuyển sinh.
Tại thời điểm tuyển sinh và khi ông VTV nộp hồ sơ thì quy định đầu vào là như thế nào?
Đầu vào phải so sánh giữa hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và quy định của Trường ĐH Luật Hà Nội, để xem Trường có quy định gì Khác và Trái với Bộ không?
Hơn nữa, lại cần thanh tra xem từ lúc tuyển sinh đến lúc ông VTV bảo vệ luận án và đến nay, các quy định đầu vào của Trường có gì điều chỉnh thay đổi, cập nhật bổ sung, và việc đó có ảnh hưởng gì đến quá trình đào tạo của NCS VTV.
Nếu có bất kỳ điều gì không đáp ứng quy định về đầu vào thì coi như đã sai phạm và cần hủy kết quả tuyển sinh.
Nếu cơ sở đào tạo là Trường ĐH Luật HN sửa đổi với động cơ nhằm chữa cháy cho NCS thì đó cũng là sai phạm, cần hủy kết quả tuyển sinh.
Hồ sơ tuyển sinh cần được xem xét các khía cạnh khác nhau:
- Bằng cấp có đáp ứng không? Có bằng nhưng có đi học thật không?
- Các bài báo khoa học có đúng ngành và đủ về số lượng không? Các bài này được công bố có đúng trong thời gian thuộc về thời gian hồ sơ tuyển sinh không?
3. Thanh tra quá trình học tập:
Quá trình học tập bao gồm thời gian vật chất để hoàn thành các tín chỉ, chứng chỉ buộc phải có đối với NCS.
Đây là một điều rất quan trọng, vì có những NCS nợ môn, nộp muộn, công đoạn sau làm trước, công đoạn trước làm sau. Đặc biệt đối với NCS VTV làm luận án trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, việc đi lại rất khó khăn do các chỉ thị cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Quá trình này còn phải xem xét đến các MỐC thời gian nộp bản thảo luận án: Có đúng hạn không? Từ việc nộp để chờ nhận xét có đủ thời gian cần thiết không? Có bị bỏ qua khâu nào không?
Các bản nhận xét phản biện Độc lập (Phản biện kín) có yêu cầu NCS sửa chữa gì không và NCS thực sự có sửa chữa theo góp ý không? Sửa chữa hay không sửa chữa đều phải có bản giải trình tiếp thu.
Ngoài 2 bản phản biện Độc lập cho toàn văn Luận án, thì Bản tóm tắt 24 trang có được gửi đến ĐÚNG NƠI theo quy định và được thu về ĐỦ SỐ LƯỢNG không?
4. Thanh tra QUY TRÌNH BẢO VỆ LUẬN ÁN
Luận án Tiến sĩ đều phải trải qua hai lần bảo vệ: bảo vệ thử (tức là bảo vệ ở bộ môn, khoa), và bảo vệ chính thức (còn gọi là cấp Nhà nước, cấp Học viện, cấp Trường). Giữa hai lần bảo vệ này phải đảm bảo đủ về thời gian để NCS tiếp thu sửa chữa, báo cáo giải trình việc sửa chữa…
Quy trình buổi bảo vệ Luận án cũng có quy định cụ thể theo các bước, mà không bước nào được bỏ qua. Ví dụ, sau khi Thư ký HĐ đọc Lý lịch khoa học của NCS, thì đọc xong, Chủ tịch HĐ đánh giá Luận án Tiến sĩ sẽ hỏi:
- Hội đồng, các thành viên Hội đồng, và các vị cử tọa có thắc mắc hoặc bổ sung gì về tiểu sử của NCS, về các loại văn bằng, chứng chỉ, về các công trình đã công bố của NCS không?
Nếu có, và là những vấn đề nghiêm trọng thì có khi phải lập biên bản và dừng buổi bảo vệ luận án. Nếu không có ý kiến gì, thì Chủ tịch HĐ mới điều hành để sang phần tiếp theo: Nghiên cứu sinh sẽ trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của luận án không quá 30 phút.
5- Thanh tra LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Đây là nội dung thanh tra quan trọng nhất và mang tính quyết định.
Bộ GD-DT cần mời một đội ngũ các nhà chuyên môn chấm lại luận án của ông VTV xem luận án này có đảm bảo hàm lượng kiến thức, quy cách và đóng góp mới xứng đáng một luận án tiến sĩ không.
Họ phải là những nhà khoa học hàng đầu, có nhân cách Con Người, có nhân cách Nhà Khoa học, có kiến thức và bản lĩnh thì mới xứng đáng mời vào HĐ này; chứ giáo sư tiến sĩ bây giờ nhan nhản những kẻ bệ rạc về tư cách, chỉ ưa nịnh và tham tiền!
Thích Chân Quang tự đặt hàng tấm bảng này
Tóm lại, Bộ GD-ĐT cần thanh tra làm rõ toàn bộ quá trình học tập và lấy văn bằng Tiến sĩ của ông VTV (tức Thích Chân Quang) tại Trường ĐH Luật HN, công bố với báo chí và dư luận.
Đó vừa là trách nhiệm Bộ GD-ĐT đối với nhân dân và đất nước. Cũng là một việc làm cần thiết để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và hệ thống văn bằng đang được cấp từ Bộ GD-ĐT. Đó chính là góp phần Chấn hưng Giáo dục nước nhà.
30.6.2024
TS Nguyễn Xuân Diện