Cơ thể chị G. chằng chịt vết thương ngang dọc có cũ, có mới (Ảnh: Bảo Kỳ).
Như đã đưa tin, Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đã triệu tập chị B.T.T.G. (36 tuổi) từ Kiên Giang về Hải Dương để làm việc, liên quan tới việc chị G. bị chồng là T.V.L. (37 tuổi, ở huyện Kim Thành) bạo hành dã man bằng nhiều cách khác nhau trong thời gian dài, kể cả khi chị đang mang thai.
Theo lời kể của chị G., chị thường xuyên bị chồng yêu cầu gọi điện cho người thân, họ hàng bên ngoại để vay tiền. Nếu chị không mượn được tiền sẽ bị chồng nhét giẻ vào miệng, lột quần áo, treo lên trần nhà rồi dùng dây nồi cơm điện, thắt lưng đánh vào lưng, tay; lấy cục sắt đập vào hai đầu gối; nướng cọng kẽm nóng rồi dí lên mặt. Thai phụ cũng khẳng định, chồng chị thường đánh tới khi thấy chị kiệt sức mới dừng tay. Anh ta nói sẽ không đánh cho chị chết luôn mà để chị chết từ từ.
Với việc bạo hành vợ dã man cùng ý đồ để vợ "chết từ từ" của người chồng như lời khai từ chị G., độc giả Dân trí băn khoăn, hành vi của L. có thể có dấu hiệu của tội giết người hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhìn nhận, hành vi hành hạ dù biết vợ đang mang bầu 7 tháng là hành động đáng lên án của người chồng vũ phu. Đặc biệt, cấp độ bạo hành ngày càng tăng theo thời gian và phụ thuộc vào tâm trạng, nhất là khi đối tượng thiếu tiền chơi game.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS.
Sự bạo hành tiếp diễn, kéo dài với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến người vợ luôn bị ám ảnh bởi bạo lực, chán nản, lo lắng và sợ hãi.
Theo lời kể của thai phụ, người chồng liên tục đánh đập bằng nhiều hình thức khác nhau và nói với vợ rằng "sẽ không đánh cho chết luôn mà để chết từ từ". Luật sư Tuấn đánh giá câu nói này thể hiện ý chí chủ quan muốn tác động tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của người vợ. Tuy nhiên, để xác định hành vi có dấu hiệu của tội giết người hay không, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố cấu thành khác trong sự việc này.
Cụ thể, về mức độ, dù L. đánh vợ nhiều lần nhưng theo thông tin hiện có, chưa có căn cứ cho thấy cường độ đánh đập tại một thời điểm cụ thể là liên tục và dồn dập nhằm tước đoạt sinh mạng. Ngoài ra, các vị trí bị tác động vật lý gây thương tích chủ yếu là tay, chân và lưng. Mục đích của người chồng cũng mới dừng lại ở việc muốn gây đau đớn về mặt thể xác, từ đó ép buộc vợ vay tiền tiêu xài cho bản thân.
Trong khi đó, để xác định được hành vi của người chồng cấu thành tội giết người, phải có căn cứ xác minh cho thấy hành vi được thực hiện với cường độ dồn dập, liên tục; mức độ sát thương cao và tác động vào các vị trí trọng yếu gây chết người như đầu, gáy, ngực, bụng,…..
Ngoài ra, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng trái pháp luật người khác, hậu quả chết người (đã xảy ra hoặc có thể xảy ra) có mối quan hệ nhân quả tới hành vi phạm tội; người thực hiện có khả năng nhận thức làm chủ hành vi của mình nhưng vẫn cố ý phạm tội.
Từ những phân tích trên, luật sư cho rằng hiện chưa có căn cứ xác định hành vi của người chồng có dấu hiệu của tội giết người. Tuy nhiên, với việc L. có ý chí chủ quan sẽ đánh cho vợ "chết từ từ", cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ tính chất và mức độ hành vi để làm căn cứ, xác định chính xác trách nhiệm hình sự đối với người này.
Trong khi đó, Luật sư Trần Đình Dũng - Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng, những hành vi của người chồng thể hiện sự bạo lực, dã man. Ông nhìn nhận việc L. treo vợ lên trần nhà, dùng dây nồi cơm điện hoặc dây lưng để đánh vợ, lấy cục sắt đập vào đầu gối hay nướng cọng kẽm nóng dí lên mặt vợ là những hành động hết sức nguy hiểm.
Những hành vi này nếu thực hiện riêng lẻ thì chỉ gây thương tích, tổn hại sức khỏe, không lập tức đe dọa tính mạng chị G. nhưng nếu được thực hiện trong một thời gian dài, với tần suất liên tục cùng mức độ ngày một tăng có thể tác động nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng nạn nhân.
Ngoài ra, kết hợp với việc L. thực hiện hành vi với ý chí chủ quan là "không đánh cho chết luôn mà để chết từ từ", luật sư Dũng đánh giá tình tiết này cho thấy người chồng đã có ý thức tước đoạt mạng sống của vợ. Do đó, nếu trong quá trình lấy lời khai, L. có lời khai thể hiện ý chí như các thông tin mà vợ đã nêu ra thì hành vi của người này có yếu tố cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
"Bất chấp hậu quả chết người chưa xảy ra, vẫn có căn cứ để xem xét người chồng này phạm tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, mức án tối đa cho người phạm tội giết người sẽ là 20 năm tù (nếu truy tố theo khoản 1, Điều 123) và 11 năm 3 tháng tù (nếu truy tố theo khoản 2).
Ngoài ra, cần xem xét tổn hại cho cả người mẹ và cả thai nhi 7 tháng tuổi để đánh giá xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chồng", luật sư Dũng bình luận.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí