Tiếp tục phiên xét xử các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan khẳng định 5 nhà đầu tư nước ngoài thực tế sở hữu cổ phần tại Ngân hàng SCB, không có việc đứng tên giúp.

1 Vu Van Thinh Phat Ba Truong My Lan Khong Nho Nhung Co Dong Nuoc Ngoai Tai Scb

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa chiều 12-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Chiều 12-3, các luật sư tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Cổ đông nước ngoài là thật nhưng không nhớ

Trả lời luật sư Giang Hồng Thanh, bị cáo Trương Mỹ Lan bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật hỗ trợ con gái bị cáo là Chu Duyệt Phấn có điều kiện thu hồi những tài sản cho vay mượn bên ngoài để khắc phục hậu quả vụ án nếu có.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho biết sau khi bà bị bắt, con gái bà đã thỏa thuận bán căn nhà ở Hà Nội để bổ sung tài sản khắc phục hậu quả.

Luật sư đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan giải thích rõ về lời khai của bị cáo tại phiên xử sáng nay về nội dung "có thể ủy quyền cổ phần của tôi, của bạn bè tôi cho Ngân hàng Nhà nước hoặc vận động bạn bè nước ngoài ủy quyền cổ phần", thì bà Lan cho biết sẵn sàng làm việc đó ngay nếu được tạo điều kiện và nói mình không cần số cổ phần đó nữa.

Luật sư tiếp tục hỏi: "Ngân hàng SCB có những cổ đông là pháp nhân nước ngoài, chị Trương Mỹ Lan có cách nào để tác động đến họ để khắc phục hậu quả?". Bị cáo Trương Mỹ Lan đáp: "Nếu không có hỗ trợ liên lạc từ tòa và cơ quan chức năng thì không có cách nào liên hệ, tác động".

Sáng nay, khi được luật sư Phan Trung Hoài hỏi về nhóm nhà đầu tư là 5 pháp nhân nước ngoài thì bị cáo Trương Mỹ Lan cũng trả lời "không nhớ". Bà Lan cho rằng 5 nhà đầu tư này thực tế nắm cổ phần của Ngân hàng SCB, chứ không phải đứng tên giùm bị cáo như cáo buộc.

Có hồ sơ lưu, đóng thuế... nhưng không liên lạc được

Còn bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc Ngân hàng SCB) trả lời luật sư Thanh cho rằng có biết tên những cổ đông nước ngoài. "Không có lý do gì mà không thật. Đến giờ vẫn không quan tâm thật hay không thật", bị cáo Văn nói.

Theo cáo trạng, tính đến tháng 10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu 91,5% vốn điều lệ của SCB do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trong đó các pháp nhân mà cơ quan điều tra xác định là đứng tên giúp bị cáo Lan có các công ty nước ngoài là: Noble Capital Group Limited (9,4%), Glory Capital Investment Limited (4,6%), Galaxy Capital Investment Development Limited (4,6%), Day Glory Development Limited (4,6%), Dragon Fund Investment Limited (4,6%).

Luật sư Thanh tiếp tục hỏi bị cáo Tạ Chiêu Trung - tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú, công ty này nắm 12,9% cổ phần Ngân hàng SCB.

Bị cáo Trung khẳng định 3 cổ đông nước ngoài của công ty này là có thật, có hồ sơ lưu trữ, có thực hiện việc đóng thuế.

Tuy nhiên bị cáo Trung cũng cho biết do Ngân hàng SCB tái cơ cấu nên đến giờ những cổ đông này chưa được chia lãi. Bị cáo Trung cũng cho biết thời điểm khởi tố vụ án này, phía Công ty Việt Vĩnh Phú đã liên hệ với những cổ đông này nhưng không được.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Việt Vĩnh Phú có các cổ đông sở hữu cổ phần gồm: bị cáo Trương Huệ Vân 50,5%; Công ty Prosperity Asia Capital Limited, quốc tịch British Virgin Islands 19,5%; Công ty Lionyear International Limited, quốc tịch British Virgin Islands 15%; Công ty Magic Luck Group Limited, quốc tịch British Virgin Islands 15% vốn điều lệ.

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã yêu cầu tương trợ tư pháp, đề nghị tổng chưởng lý Quần đảo British Virgin (Vương quốc Anh); tổng chưởng lý Quần đảo Cayman (Vương Quốc Anh) và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) phối hợp xác minh thông tin về 8 công ty nước ngoài trên, nhưng đến nay chưa có kết quả.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định quá trình điều tra vụ án đã thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ, làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC