Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xử ngày 11-3 - Ảnh: HỮU HẠNH
Trưa 11-3, đại diện viện kiểm sát bắt đầu xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.
Duyệt lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan
Bị cáo đầu tiên được viện kiểm sát thẩm vấn là Trương Khánh Hoàng.
Theo đó bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc Ngân hàng SCB) khẳng định bà Trương Mỹ Lan là chủ thực sự và là người điều hành mọi hoạt động của SCB.
Bị cáo Hoàng dẫn chứng khi bà Lan bổ nhiệm bị cáo làm phó tổng giám đốc SCB vào năm 2019, bà Lan đã yêu cầu bị cáo gặp bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn là tổng giám đốc và bị cáo Đinh Văn Thành là chủ tịch để thực hiện.
Sau đó bà Lan cũng triệu tập bị cáo đến các cuộc họp quan trọng của ban lãnh đạo SCB để rà soát lại các hồ sơ tín dụng thời điểm ngân hàng bị thanh tra.
Ngoài bà Lan, theo bị cáo Hoàng thì Trương Huệ Vân cũng gọi điện thoại trực tiếp cho bị cáo Hoàng để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của bà Lan.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng - Ảnh: HỮU HẠNH
"Thời điểm bị cáo đảm nhiệm chức phó tổng giám đốc phụ trách phê duyệt tín dụng, bị cáo nhận chỉ đạo trực tiếp từ chị Lan các khoản cần giải ngân để phục vụ cho nhiều mục đích.
Khi lập hồ sơ thì bị cáo làm việc với anh Nguyễn Phương Anh, khi giải ngân thì nhóm bên anh Nguyễn Phương Anh thực hiện giải quỹ, sau khi giải ngân thì việc sử dụng tiền sẽ do chị Lan chỉ đạo", bị cáo Hoàng khai.
Đối với việc thành lập công ty "ma" thì bị cáo Hoàng trả lời phía ngân hàng bị động do nhóm Vạn Thịnh Phát thực hiện. Phần lớn các tài sản đảm bảo cho các khoản vay đều do phía Vạn Thịnh Phát giao qua ngân hàng, nên ngân hàng sẽ cùng làm phương án vay.
Về mục đích sử dụng tiền vay của bà Lan, bị cáo Hoàng khai bà Lan thường họp hoặc gọi điện thoại trao đổi với bị cáo, rồi yêu cầu bị cáo giao tiền mặt cho anh Bùi Văn Dũng (tài xế bà Lan) hoặc thanh toán một số dự án như dự án 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thanh toán dự án Tuần Châu, dự án khu đô thị Thành Phát ở Long An.
"Tại một biên bản hỏi cung, bị cáo khai Trương Mỹ Lan có những cách thức chuyển tiền ra nước ngoài, bị cáo có nhớ lời khai này không?", đại diện viện kiểm sát hỏi.
Bị cáo Hoàng thừa nhận lời khai này và cho biết: "Trong vai trò là phó tổng giám đốc, bị cáo có phê duyệt một số lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu bên nhóm của chị Lan.
Các lệnh chuyển tiền thì là thanh toán việc mua vốn góp của công ty nước ngoài ở Việt Nam; thanh toán cho các khoản tín dụng khi chị Lan đi nước ngoài.
Việc chuyển tiền đi nước ngoài bị cáo không được họp bàn, mà chỉ làm theo yêu cầu".
Đại diện viện kiểm sát công bố lời khai của bị cáo Hoàng: "Trong quá trình tôi làm việc tại SCB, tôi biết chị Lan lấy tiền đầu tư vào một số tài sản của đối tác nước ngoài ở Việt Nam bằng hình thức đặt cọc, tài sản có giá trị nhỏ nhưng số tiền đặt cọc lớn hơn nhiều. Việc chuyển tiền cho đối tác nước ngoài được thông qua Cục Chống rửa tiền Việt Nam.
Sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, chị Lan sẽ dùng tài sản để đầu tư dự án, sau đó tài sản sẽ được thế chấp vay tiền ở nước ngoài.
Tiền vay này được chuyển về để hủy giao dịch đặt cọc ban đầu tại Việt Nam, nhưng số tiền sẽ ít hơn rất nhiều. Nhiều lần gối đầu như vậy, chị Lan giữ lại số tiền rất lớn ở nước ngoài".
Bị cáo Hoàng xác nhận và khẳng định lời khai khách quan.
Ký hiệu "HSTT" trên hồ sơ vay của nhóm Vạn Thịnh Phát
Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng SCB) đồng ý với lời khai của bị cáo Trương Khánh Hoàng về việc bà Lan bố trí nhân sự cấp cao của Ngân hàng SCB.
Đối với bản thân bị cáo, khi ông Đinh Văn Thành xin nghỉ đi nước ngoài chữa bệnh cho vợ thì ông Thành đưa bị cáo đi gặp, giới thiệu để bị cáo làm chủ tịch, còn quy trình bổ nhiệm ở SCB chỉ là thủ tục.
Theo bị cáo, trên sổ sách bà Lan đứng 4,9%, việc bà Lan sở hữu đến 95% không có sổ sách nào thể hiện, nhưng quá trình làm việc tại SCB nên bị cáo hiểu rằng Trương Mỹ Lan chiếm phần lớn cổ phần SCB.
Bị cáo Bùi Anh Dũng tại phiên tòa - Ảnh; HOÀNG HÙNG
"Bà Lan sử dụng tiền vay đó để mua, thanh toán các dự án, mua các bất động sản, sau đó dùng chính bất động sản đó để vay tiền từ SCB.
Bị cáo đứng đây do lỗi của mình vì tin tưởng bà Lan một cách mù quáng, bị cáo tin chị Lan kinh doanh rất là giỏi nên tin chị Lan đưa tài sản vào chỉ để cơ cấu".
Về cách phân biệt hồ sơ vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan với hồ sơ thông thường, bị cáo Dũng khai đó là ký hiệu "HSTT" (hội sở tiếp thị) trên các hồ sơ.
Còn bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai người đầu tiên tiếp xúc là bà Nguyễn Thị Thu Sương (cựu chủ tịch hội đồng quản trị SCB), bị cáo Sương trực tiếp phỏng vấn, rồi sau đó gặp Đinh Văn Thành, còn việc 2 người này báo cáo cho Trương Mỹ Lan như thế nào thì bị cáo Hoàng nói không biết.
"Đến khi bắt đầu làm việc tại SCB thì bị cáo mới được giới thiệu bà Trương Mỹ Lan là cổ đông lớn. Khi bà Lan cần tiền thì gọi trực tiếp cho bị cáo nói chuyện bâng quơ thôi, cũng không nói cụ thể gì.
Nhưng sau đó sẽ có lãnh đạo hội đồng quản trị chỉ đạo bị cáo thực hiện các khoản vay cho bà Lan", bị cáo Văn khai.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online