Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2022, Thanh tra Chính phủ cho biết đã hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Trên 54.000 cán bộ, công chức, viên chức đã được các cấp, ngành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Trong tổng số 430.000 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ báo cáo có 10.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.
Trong kỳ báo cáo đã có 39 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 36 người.
"Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện là 116 vụ việc, 153 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 41 vụ, 22 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 50 vụ, 86 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 25 vụ, 45 người liên quan đến tham nhũng", Thanh tra Chính phủ thông tin.
Mẫu kê khai tài sản cán bộ, công chức theo Nghị định 130/2020 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và thay thế Nghị định 78/2013.
Thanh tra Chính phủ cũng đã tham mưu, giúp Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành quyết định về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022.
Đồng thời trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và xây dựng kế hoạch thực hiện.
"Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả", Thanh tra Chính phủ đánh giá.
Dù vậy, cơ quan này thừa nhận trong công tác phòng chống tham nhũng, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để.
Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.
Cơ cấu tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ ngành thanh tra còn bất cập. Nhiều cơ quan thanh tra còn thiếu biên chế làm việc. Một số cán bộ thanh tra chấp hành kỷ cương, kỷ luật chưa tốt.
Tháo gỡ vướng mắc các dự án, đất đai ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM
Về xử lý sau thanh tra, năm 2022 toàn ngành thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trên 8.300 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Kết quả đã thu hồi 3.440 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 52%), 32ha đất; xử lý hành chính hơn 4.000 tổ chức, gần 9.300 cá nhân; khởi tố 12 vụ, 22 đối tượng.
Thanh tra Chính phủ đã triển khai 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện kết luận thanh tra và tham mưu, giúp tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Khánh Hòa.
Thanh tra Chính phủ đã tham mưu, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Khánh Hòa (Ảnh: N.T).
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ giúp Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng, trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Bộ Chính trị đã cho ý kiến, cơ quan liên quan đang tiếp thu và hoàn thiện đề án.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí