Xăng tăng cận Tết:Vận tải kêu trời, nói nâng giá dân chịu Sau thông tin giá xăng dầu điều chỉnh tăng gần 600 đồng/lít vào 14 giờ chiều 18/12, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đang tính chuyện tăng giá cước.

 Sẽ tăng giá cước

Theo ông Thanh, xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá thành vận tải nên việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến giá thành vận tải. Ông Thanh cho biết, chiều 18/12 sau khi thông tin tăng giá xăng dầu gần 600 đồng/lít ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của các DN, than vãn có, bức xúc có, nhiều DN cho biết sẽ điều chỉnh giá cước vận tải.

Ông Thanh giãi bày, các DN vận tải đã oằn mình chịu nhiều chi phí, việc tăng giá xăng dầu khiến giá cước vận tải tăng lên, người dân phải chịu trực tiếp thông qua vé đi, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ khó đạt kết quả trong giờ chót.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh, thời điểm Tết Nguyên đán đến gần, vận tải hành khách, hàng hóa chạy hầu hết đều chạy một chiều, công nhân lương 2-3 triệu đồng ở các khu công nghiệp, người lao động, sinh viên ở các thành phố lớn phải trở về quê hương ăn tết thì chắc chắn vé tăng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của nhiều người dân.

"Quan trọng hơn giá cước của xe vận tải chở nông sản, thực phẩm cung cấp cho những đô thị lớn, giá xăng tăng, cước vận tải tăng chắc chắn nông sản sẽ tăng. Sẽ vô cùng khó khăn đấy", ông Thanh cảnh báo.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, mức thu phí đối với các phương tiện sẽ bắt đầu tăng kể từ 01/01/2014 đã khiến nhiều DN vận tải như ngồi trên đống lửa. Việc tăng giá xăng dầu lần này tùy từng DN sẽ có quyết định điều chỉnh giá cước hay không và điều chỉnh ở mức nào. 

"Nếu những DN trước đây giá xăng dầu đã tăng nhưng chưa kịp tăng giá cước thì đến thời điểm này họ không thể chịu được họ sẽ tăng giá. Còn những đơn vị còn chịu đựng được, chưa thua lỗ họ sẽ chịu đựng thêm thời gian nữa, nếu giá tiếp tục tăng họ sẽ có sự điều chỉnh", ông Liên nói.

Ông Liên cũng cho biết thêm, mỗi lần tăng giá cước vận tải không đơn giản vì trình tự phức tạp. Với tuyến cố định phải đăng ký giá vé, thu hồi vé cũ, đăng ký vé mới, phát hành vé mới. Chỉ taxi, hợp đồng du lịch sẽ tăng được ngay vì nó không in vé. Vận tải hành khách tuyến liên tỉnh ít nhất nửa tháng có thể điều chỉnh giá cước.

Việc giá xăng dầu tăng 2-3% chưa tác động nhiều đến giá thành nhưng khi tăng biên độ lớn giá cước vận tải sẽ phản ứng ngay nhưng xăng dầu đã rút kinh nghiệm chỉ tăng nhỏ giọt nên rất khó cho ngành vận tải vì nhiều lần nhỏ giọt sẽ rất lớn. 

Yêu cầu minh bạch giá xăng dầu

"Theo tôi, xăng dầu phải minh bạch, cách tính giá xăng dầu đầu vào, giá nhập khẩu ở từng thời điểm, giá thế giới. DN lỗ, lãi bao nhiêu, quỹ bình ổn xăng dầu được sử dụng như thế nào... Việc không công khai, không ngoại trừ khả năng có việc mua cơ chế thông qua việc điều hành xăng dầu của liên bộ Công thương, bộ Tài chính", ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói.

Theo ông Nguyễn Danh Liên, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương lấy ý kiến cho phép thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp được giảm xuống 15 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay. Và cho phép DN có thể tự quyết mức tăng giá dưới 7%, thay vì 5% như đề xuất ban đầu, chắc chắn xăng dầu tăng 7% các DN vận tải sẽ tăng giá cước vận tải ngay lập tức.

Đây không phải là lần đầu tiên việc tăng giá xăng dầu khiến các DN vận tải rục rịch tăng giá cước. Chỉ trong vòng nửa cuối tháng 6/2013 vừa qua, xăng dầu đã 2 lần tăng giá. Tuy biên độ tăng giá của mỗi lần không cao (ngày 28/6 tăng 360 đồng/lít xăng, tăng 370 đồng/lít dầu diesel; ngày 14/6 tăng 420 đồng/lít xăng, tăng 220 đồng/lít dầu diesel), song nếu tính cả 2 đợt tăng giá này thì tổng mức tăng là 780 đồng/lít xăng, 590 đồng/lít dầu diesel nhưng nhiều DN đã điều chỉnh giá cước.

Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM kiêm Phó TGĐ Vinasun taxi  cho biết, nếu tính riêng đợt xăng dầu tăng giá vào ngày 28/6 thì rất khó để điều chỉnh giá cước taxi, bởi mức tăng thấp, trong khi mỗi lần điều chỉnh giá cước do phải cài đặt, kiểm định, niêm phong chì lại đồng hồ tính cước khá tốn kém. 

Tuy nhiên, do đợt tăng giá lần trước, hầu hết các doanh nghiệp taxi không điều chỉnh giá cước, vì vậy lần tăng giá tiếp theo họ phải tính gộp lại các chi phí tăng thêm để điều chỉnh giá cước cho phù hợp.

Theo báo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC