Xe “ôm” truyền thống, còn đâu?
Những năm của thập kỷ 90, 2000, nhiều lão nông tri điền do ruộng đồng khan hiếm, từ làng quê ra thành phố mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Một số khác là những lao động bình dân trên phố cũng tham gia vào hoạt động này.
Một bác xe ôm lâu năm cho biết, thuở ban đầu, còn ít người làm nghề xe ôm nên có thể nói ngày ấy gần như không có sự cạnh tranh, không phải đăng ký mặt bằng hay bến bãi như bây giờ chính những điều này đã làm cuộc sống của những bác tài xe ôm trở nên sung túc hơn.
Nói về xe ôm ai cũng nhớ về một thời huy hoàng của nó, nghĩa là ngày đó ai sắm được chiếc xe máy và làm nghề xe ôm thì cũng có của ăn của để.
Xe ôm truyền thống và công nghệ - nước mắt thị thành… Ảnh minh họa
Anh Đỉnh (45 tuổi, quê Thanh Hóa)- một xe ôm tự do ở bến xe Mỹ Đình chia sẻ, không kể những ngày nắng gắt hay mưa dầm, giá rét, mười năm qua anh vẫn kiên nhẫn với chiếc xe máy đón khách.
Anh kể, trước kia cả gia đình anh trông vào mấy sào ruộng, cố lắm mới đủ ăn. Thật như “vớ được cọc” khi trong khoảng thời gian khó khăn ấy, anh được người bạn cùng quê làm nghề xe ôm rủ ra đất Hà thành lập nghiệp.
Nhận thấy nghề xe ôm khi đó còn ít người làm mà cung ít hơn cầu, khách ra vào các bến xe thì nhiều vô kể, còn người làm xe ôm thì chở khách không hết việc. Anh về vay mượn anh em, họ hàng sắm được “cô vợ 81” chạy chở khách kiếm ăn cũng kha khá.
Anh thì chạy xe ôm, vợ thì bán nước ở bến xe Mỹ Đình, mấy đứa nhỏ thì vợ, chồng gửi ông bà nội chăm.
Mỗi tháng gửi về ít tiền để ông bà mua sách vở, sinh hoạt cho các cháu thì hai vợ chồng làm việc cũng yên tâm.
Thấm thoát đã chục năm, giờ đây hai vợ chồng đã tậu được căn nhà hai tầng khang trang đầy đủ các tiện nghi, từ tivi đến quạt điện rồi tủ lạnh…
Và cũng thật may mắn, lũ trẻ nhà anh đều không phụ lòng cha mẹ vất vả nơi thị thành, đã bảo ban nhau học hành đến nơi đến chốn. Đứa đầu tên là An năm nay đang là sinh viên năm cuối ĐH Sư phạm Hà Nội, còn ba đứa nhỏ thì hai đứa đang học cấp 3, đứa út đang học cấp hai.
Để được như hiện nay là do hai vợ chồng đã tần tảo, chủ yếu làm nghề xe ôm mà ra. Anh nói chục năm trước mỗi ngày trung bình anh kiếm được 300.000đ có những lúc cao điểm 500.000đ/ ngày.
Đối với anh Đỉnh cuộc sống ngày ấy như mơ, chứ không khó khăn như bây giờ.
Và dở khóc, dở cười…
Thế nhưng, vài năm gần đây, khi có sự xuất hiện của Grap và Uber thì khách đi xe ôm truyền thống ngày càng ít. Nếu các bác tài xe ôm ngày xưa phải tìm mọi cách thuộc đường thì ngày nay để trở thành tài xế xe ôm công nghệ không nhất thiết phải thông thuộc đường đi các lối rẽ như xe ôm truyền thống, chỉ cần bật ứng dụng điện thoại thì mọi lối rẽ hay tên con đường đều trong tầm tay mỗi tài xế công nghệ.
Khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ thì con người luôn hướng tới những ứng dụng công nghệ mới để bắt kịp thời đại, trong đó có xe ôm công nghệ như Uber hay Grab, sự xuất hiện của Uber và Grab làm những bác xe ôm truyền thống thất thu hơn.
Xe ôm công nghệ ngày càng được nhân rộng thì sự vất vả, nhọc nhằn, lo lắng đó càng hiện rõ lên khuôn mặt những cánh xe ôm truyền thống mỗi khi không có khách, như thể người bán hàng ế ẩm không ai mua, thì khuôn mặt ấy càng buồn thiu hơn bao giờ.
Chưa kể, ngày nay, khi sự manh động và vô cảm ngày càng tăng theo nhịp sống thì nghề xe ôm vất vả thêm nhiều nguy hiểm cận kề, nói chuyện với ông Năm (50 tuổi), quê Hà Tĩnh.
Trò chuyện với ông, tôi hỏi về những vụ giết người, cướp tài sản, nạn nhân là xe ôm như vụ ở Bình Dương đối tượng gây án là Trần Văn Phi (21 tuổi, quê An Giang) và vụ ở Thái Nguyên nghi phạm được xác định là Nguyễn Quang Hưng (SN 1987, quê Thái Nguyên).
Khi được hỏi ông có cảm thấy sợ hãi và muốn bỏ nghề này không, ông suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Sợ thì có sợ chứ bỏ nghề thì không bỏ được, sinh nghề tử nghiệp mà cháu. Sống chết là do trời định, mệnh ai diêm vương bảo đi là đi chứ thoát sao được”.
Và có theo nghề xe ôm lâu năm mới nếm trải đủ tình huống bi hài, dở khóc, dở cười.
Anh Chung, 35 tuổi, quê Vĩnh Phúc cho biết, có lần chở một khách hàng là một thanh niên khoảng 19 tuổi đi từ bến Mỹ Đình, điểm đến là một quán điện tử ở bến xe Long Biên.
Đến nơi vị khách bỏ mũ bảo hiểm đưa tôi rồi nói:
Chú chờ cháu tý cháu vào nhà bảo mẹ đưa tiền rồi gửi chú, nghe có vẻ lọt tai tôi gật gù, nhưng chờ đến năm phút rồi mười phút không thấy vị khách ra đưa tiền, cảm thấy có gì không ổn, xe ôm vào hỏi mới té ngửa nam thanh niên đó đã chuồn cửa sau mà không hay biết.
Rồi ngớ ra mới biết nam thanh niên đó không phải là con của chủ quán đó mà là một con nghiện điện tử, mất toi không một cuốc 70.000đồng, mà còn lỗ tiền xăng.
“Tiếc thì tiếc nhưng nghề đi với cái nghiệp biết làm sao được. Kể cả chở khách đến nhà người ta cãi cùn không có tiền trả, thế là đành chịu chứ biết làm sao” – anh tặc lưỡi.
“Có thể nói, đội ngũ xe ôm hiện đã quá đông, thị trường luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Trước đây, mỗi ngày đi xe ôm còn có của ăn của để nhưng giờ mỗi ngay dư giả không đáng là bao, có hôm chỉ đủ ăn” - anh Lê Văn Tân một xe ôm quê Thanh Hóa cho biết.
Chính vì thị phần khách hàng của xe ôm truyền thống đang dần bị xe ôm hiện đại thay thế nên xe ôm truyền thống đang phải đứng trước những thách thức không hề nhỏ của thị trường.
Đành rằng, quy luật đào thải là quy luật tất yếu của xã hội, cái tốt dần được thay thế nhường chỗ cho những cái tốt hơn.
Biết là thế nhưng vẫn xót thương cho những bác xe ôm truyền thống, họ dầm mưa dãi nắng để mưu sinh lo cho gia đình và giờ đây họ đang đứng trước những khó khăn mới.
Câu chuyện của những bác tài xe ôm còn dài mãi như thế...
Nguồn: Báo Pháp Luật