Ngư dân Việt xuất ngoại sang Mỹ đánh cá lương nghìn USD, mong ước nước nhà có điều kiện để về quê hương cống hiến.
Gia đình anh Nguyễn Thiếc (thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) năm nay ăn Tết tươm tất hơn nhờ anh Thiếc lao động đánh cá ở Mỹ thu nhập ổn định.
Theo thông tin trên Người Lao động, từ năm 2012, thông qua một công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội, anh Thiếc đã qua Mỹ hành nghề trên tàu cá của bà Nguyễn Thị Bông (người gốc cùng thôn An Bằng) tại Hawaii (Mỹ).
Tại đây, anh Thiếc cùng với 7 thuyền viên khác là người Việt Nam, Philippines... “ôm” một chiếc tàu cá của bà Bông để hành nghề câu cá ngừ đại dương với mức lương hơn 1.000 USD/tháng/người.
Chiếc tàu cá mà anh và đồng nghiệp được bà Bông thuê hành nghề có giá trị gần 1,2 triệu USD với công nghệ máy dò, định vị cá, máy sản xuất đá, nước ngọt ngay trên tàu cùng hệ thống dây câu dài cả mấy chục cây số.
Mỗi chuyến đánh cá phải hơn nửa tháng, lúc thì ở mạn đảo Hawaii, khi thì xuôi về vùng biển California...
“Làm việc trên những con tàu đó đã cho chúng tôi được cảm giác chinh phục biển cả và công nghệ đánh cá.
Làm ở xứ người mà lúc nào chúng tôi cũng ước mơ khi trở về quê hương mình sẽ có điều kiện đánh cá như thế”- anh Thiếc tâm sự.
Ngư dân Phạm Tuấn (giữa) cùng đồng nghiệp bên sản phẩm vừa câu được. Ảnh: Người lao động
Ngư dân Phạm Tuấn (thôn Hà Úc) ở ngôi làng nổi tiếng với nghề đánh cá truyền thống ở xã An Vinh năm nay cũng khăn gói quay trở về Mỹ để lao động sau kỳ nghỉ Tết.
Anh Tuấn được chủ tàu là ông Trương Phẩm cho làm thuyền trưởng với mức lương trên 1.500 USD/tháng.
Muốn làm tài công thì phải hiểu biết tiếng Anh, có sức khỏe cực tốt và phải được chính quyền sở tại cấp giấy phép.
Từ một thuyền viên làm nhiệm vụ móc mồi bủa cá ngừ hồi mới sang Mỹ, anh Tuấn đã không ngừng học hỏi để trở thành một thuyền trưởng, có thể dẫn dắt cả đội đánh cá của mình.
"Nhiều người Việt sang Mỹ đánh cá để sau này khi trở về quê hương hành nghề sẽ có kinh nghiệm hơn", anh Tuấn chia sẻ.
Câu chuyện về 2 ngư dân Nguyễn Thiếc và Phạm Tuấn trên đã thêm vào bảng dài những người lao động Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Việt Nam xuất khẩu được hết?
Còn nhớ câu chuyện về nông dân Việt Nam từng được ra nước ngoài để hỗ trợ nông dân nước bạn kỹ thuật trồng lúa vừa nâng cao thu nhập cho bản thân.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Bí thư Chi bộ ấp 9 (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), người được mời làm chuyên gia tư vấn, có nhiệm vụ tập hợp các nông dân sản xuất giỏi ở địa phương để sang Lào trồng lúa.
"Nông dân Việt đảm nhận tất cả các khâu từ làm đất, chăm sóc lúa đến thu hoạch... Lúa sản xuất ra sẽ được Hà Lan bao tiêu với giá cao gấp 4 lần ở Việt Nam. Sau khi làm hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ giao đất lại cho nông dân Lào.
Chúng tôi qua đó làm đều được trả lương.
Nông dân có tay nghề như biết lái máy cày, máy gặt thì lương 20 triệu đồng/tháng, còn nông dân bình thường cũng được trả công 6 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày, gấp 4 lần ở Việt Nam.
Đó là chưa kể thu nhập ở nhà rất bấp bênh, được mùa có khi lại rớt giá, chi phí đầu vào tốn kém nên lời lãi chẳng bao nhiêu", ông Trọng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Trọng kiểm tra lúa tại một cánh đồng lớn trồng lúa sạch. Ảnh: Dân Việt
Phó Tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San từng chia sẻ, số liệu thống kê năm 2013– 2014 cho thấy, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ, "nhiều nhất Đông Nam Á".
Trước đó, từng có ý tưởng xuất khẩu giáo sư, tiến sỹ cũng từng được đề xuất 'xuất khẩu' sang nước ngoài học tập và làm việc.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, Việt Nam đang thừa một cách tương đối, có một tỷ lệ lớn được đào tạo không chuẩn, thiên về lý thuyết, chất lượng dưới mức trung bình so với quốc tế.
Nên, nếu xuất khẩu được giáo sư, tiến sỹ thì cứ xuất khẩu.
"Đi làm cũng là đi học, để họ ra nước ngoài là giúp họ phát huy năng lực, tạo ra thu nhập tốt hơn, từ đó có tác động trở lại đối với các cơ quan quản lý trong nước, để cơ quan quản lý thấy rằng họ cầm vàng trong tay mà không biết là vàng, từ đó phải thay đổi chính sách", PGS.TS Nam nhận định.
Cúc Phương (Tổng hợp)