Bên cạnh con số tăng trưởng phải nhìn doanh nghiệp Việt lớn lên thế nào, công nghệ ra sao...nhưng thực tế Việt Nam lại đang mất dần các yếu tố đó.

 Nền kinh tế gia công, xuất hộ

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu 680 triệu USD, trong đó khối doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế khi chiếm 65% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Riêng xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,68 tỷ USD, tăng 3% (688 triệu USD), trong đó, giá trị từ khối FDI lên mức 16,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2016, Việt Nam có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD, gồm: điện thoại-linh kiện (4,7 tỷ USD); dệt may (3,3 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,3 tỷ USD); giày dép (1,8 tỷ USD); máy móc, thiết bị và các phụ tùng (1,3 tỷ USD).

Xuất siêu nhờ công Samsung, Trung Quốc: Quá muộn để thay đổi? - 0

Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, Việt Nam có được thành tích xuất siêu đầu năm 2016 là nhờ giảm bớt nhập khẩu và những con số trên càng làm lộ rõ rằng khu vực FDI đang đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vào FDI.

Cuối cùng, Việt Nam trở thành nơi để doanh nghiệp ngoại đến làm ăn chứ không còn là nơi để doanh nghiệp Việt cùng làm ăn với doanh nghiệp ngoại.

"Việt Nam chẳng thu được gì ngoài việc doanh nghiệp ngoại đến làm ăn trả tiền dịch vụ, đất đai, lao động... Điều quan trọng bên cạnh con số tăng trưởng là phải nhìn xem các công ty Việt Nam lớn lên thế nào, công nghệ ra sao, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng của quốc tế hàng năm tiến bộ thế nào... Đó mới là những yếu tố quan trọng nhưng thực tế Việt Nam lại đang mất dần các yếu tố đó. Trong khi nước ngoài vào Việt Nam làm ăn kiếm ăn được thì Việt Nam lại chẳng làm được gì", ông Sơn chua chát.

Thậm chí, nhìn vào những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam hai tháng đầu năm 2016 có thể thấy Việt Nam đang làm thuê, gia công toàn diện cho nước ngoài.

 Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng này cũng chậm hẳn so với năm ngoái cho thấy Việt Nam không còn nhiều thứ có thể bán được ở nước ngoài, huống chi hàng Việt Nam còn luôn đắt hơn hàng nước ngoài, ông Sơn nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cũng thừa nhận, nhiều năm qua FDI có vị thế, vai trò rất lớn trong xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng.

"Hầu hết các mặt hàng công nghệ xuất khẩu có giá trị tăng cao do doanh nghiệp FDI thực hiện, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gần như không có, có chăng chỉ xuất thô hay sản xuất các bộ phận trong sản phẩm xuất khẩu của FDI nhưng không nhiều. Nếu không có xuất khẩu của FDI, phần giá trị gia tăng của họ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thì hầu hết các doanh nghiệp Việt và nền kinh tế Việt Nam sẽ nhập siêu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Việc cứ trông chờ vào xuất khẩu của FDI để giúp Việt Nam cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, tạo ra thặng dư trong xuất khẩu là không chấp nhận được", ông Thịnh chỉ rõ.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đã có một khoảng thời gian dài nhập khẩu, gia công và xuất khẩu hộ cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, 70-80% nguyên phụ liệu của dệt may, giày da Việt Nam nhập từ Trung Quốc, cho thấy Việt Nam đang đi làm thuê cho quốc gia khác và chưa thực sự chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến.

Việt Nam có nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn, nhiều nghị quyết, ưu tiên, ưu đãi nhưng lại không có một ngành nghề nào thực sự tạo ra thế mạnh, làm đầu tàu, động lực quy tụ các ngành công nghiệp công nghiệp khác cũng như sức mạnh kinh tế nói chung, từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu thụ, chế biến, xuất nhập khẩu...

 Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu nhưng cũng chỉ là sản phẩm thô, giá trị thấp, thường bị sụt giá trên trường quốc tế, trong khi sản phẩm đã qua chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, ổn định Việt Nam lại không có.

Đây là điểm yếu chết người của kinh tế Việt Nam, dẫn đến tình trạng nông sản được mùa thì mất giá, hoặc bị ép giá xuống thấp.

Theo vị chuyên gia, FDI tạo ra công ăn việc làm, giải quyết một lượng lao động lớn cho kinh tế Việt Nam, từ đó tạo ra tác phong lao động, kỹ năng quản trị ở những người quản lý Việt Nam, tạo ra trạng thái và xu thế lao động công nghiệp cho lực lượng lao động Việt Nam. FDI cũng đóng góp lớn về thuế cũng như từ thu nhập có thể tạo điều kiện tích tụ, thực hiện đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, trước mắt, FDI đóng góp chủ yếu vào xuất khẩu của Việt Nam cũng là một điều tốt với kinh tế Việt Nam khi giúp cân bằng cán cân thanh toán của Việt Nam với thế giới. Khi FDI xuất khẩu nhiều, lượng ngoại tệ đổ vào thị trường Việt Nam, làm cho đồng tiền Việt Nam ổn định, kinh tế ổn định và tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc quản lý vốn FDI thời gian qua không đạt hiệu quả như mong muốn, những thứ Việt Nam có được không nhiều, không tương xứng với những ưu tiên, ưu đãi và không thực sự tương xứng với lợi nhuận mà các nhà đầu tư quốc tế chuyển về nước họ. 

"Ngay trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, từ Big C đến Metro..., khi FDI rút khỏi Việt Nam có thể thấy họ đóng góp không bao nhiêu, kể cả về thuế, đào tạo nhân lực, quản trị so với lợi nhuận họ mang về nước", ông Thịnh nói.

Đã quá muộn để thay đổi?

Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do lỗi tổng thể. Doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam làm ăn, bán gì cũng có lãi thì họ sẵn sàng biến Việt Nam thành nơi bán hàng của họ.

Như hiện tượng các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam thôn tính gần hết thị trường bán lẻ Việt Nam không phải để bán hàng Việt Nam mà để nhập khẩu hàng hóa từ nước họ sang để bán. 

"Việc doanh nghiệp ngoại thấy nhập khẩu hàng vào Việt Nam rẻ, thấy đây là mảnh đất béo bở để đưa hàng của họ vào bắt nguồn từ chế độ tỷ giá của Việt Nam cứ neo vào đồng USD làm mất hết lợi thế kinh doanh. Hàng Việt Nam lúc nào cũng đắt hơn hàng ngoại thì làm sao doanh nghiệp nội sống được?

Việt Nam cứ giữ neo vào đồng USD và giữ chế độ tỷ giá ổn định nhiều năm nay, trong khi các đồng tiền khác ở xung quanh đã điều chỉnh giảm mạnh thì làm sao hàng Việt còn sức cạnh tranh?

Đã muộn để thay đổi. Ngoài chuyện tỷ giá làm cho doanh nghiệp không muốn làm ăn, FDI vào chỉ bán hàng của họ, việc FDI xuất khẩu lớn thực ra cũng chỉ là vào Việt Nam để gia công, cần lao động giá rẻ của Việt Nam rồi xuất khẩu sang nước khác.

Cùng với chính sách tỷ giá nói trên, chính sách đãi ngộ, giúp đỡ, dìu dắt doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng gần như không đáng kể, chiến lược phát triển công nghệ quốc gia không rõ ràng và dường như không mấy ai quan tâm", ông Sơn thẳng thắn.

Ông Bùi Ngọc Sơn cho rằng, phải có một cú hích mạnh nhưng khi thực hiện cú hích ấy chính bản thân nền kinh tế cũng bị "trọng thương" bởi nợ nần nước ngoài nhiều, doanh nghiệp nhà nước lâu nay chỉ trông vào tỷ giá để sống, giờ thay đổi sẽ "chết" hàng loạt, không cứu được.

"Muốn thay đổi thì phải chấp nhận đau đớn, còn không thì dần dần doanh nghiệp nội sẽ bị nước ngoài siết dần, lúc đầu có thể còn làm được đôi chút sau bỏ dần và cuối cùng chỉ có nước chết".

Lạc quan hơn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ, thay đổi không bao giờ là muộn, nhưng đáng ra Việt Nam có thể làm tốt hơn, vai trò, vị thế của FDI với kinh tế Việt Nam có thể thay đổi nếu chúng ta quản lý tốt hơn và để ý phát triển doanh nghiệp trong nước, buộc FDI là trung tâm đồng thời phải tạo ra vệ tinh - các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp cho họ phụ kiện, bộ phận hay là một công đoạn của một quá trình sản xuất.

Nếu buộc được FDI làm điều đó thì bây giờ Việt Nam đã có được ngành công nghiệp phụ trợ tốt hơn nhiều và nó sẽ là nền tảng để Việt Nam phát triển nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI. Đã đến lúc không thể nuông chiều doanh nghiệp FDI.

"Suốt mấy chục năm thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa thực sự chú tâm tới những vấn đề trên. Việt Nam đã bỏ phí một thời gian tương đối dài, không quan tâm đến vấn đề làm thế nào có sự kết hợp giữa FDI với doanh nghiệp trong nước, FDI phải là đầu tàu dìu dắt doanh nghiệp trong nước phát triển, khi đó Việt Nam mới tham gia được vào dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị quốc tế.

Nếu không có sức ép với doanh nghiệp FDI và cứ nuông chiều để họ nhập hàng từ nước ngoài về Việt Nam để lắp ráp, xuất khẩu như thời gian qua thì Việt Nam không bao giờ có sự phát triển bền vững, chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khi doanh nghiệp FDI rút đi, kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn trống rỗng, không có gì trong tay để xây dựng nền công nghiệp riêng của mình", ông Thịnh lưu ý.

Thành Luân/ Báo Đất Việt

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC