Khi tiếp xúc với Carly Placek, chúng tôi cảm nhận được cô chăm sóc cho con trẻ ở trung tâm xuất phát từ tình yêu thương thực sự.

Carly Placek - một cô tiểu thư xinh đẹp và danh giá ở bên trời Tây quyết định bỏ tất cả để đến sống ở Việt Nam. Chẳng phải là vì tình yêu đôi lứa, cũng chẳng phải vì những chuyến du lịch để tận hưởng cuộc sống, điều đã khiến cô muốn gắn bó với dải đất hình chữ S này là điều vô cùng đơn giản: Vì tình thương với những đứa trẻ mắc bệnh down.

Gia đình Carly Placek rất khá giả, cô là con gái giám đốc của một công ty lớn về xây dựng ở vùng Baltimore, bang Maryland và sở hữu một chuỗi siêu thị có tiếng ở đất Mỹ.

1 Xuc Dong Co Gai Tu Bo Cuoc Song Danh Gia Ben Troi Tay Sang Viet Nam Cham Soc Tre Em Tat Nguyen

Carly hàng ngày cho trẻ ăn, tắm rửa, giặt giũ..., đỡ đần cho các nhân viên của trung tâm chăm sóc người già và trẻ em khuyết tật ở Ba Vì.

Chọn cách sống khác thường

Năm 21 tuổi, Carly tới Việt Nam du lịch và ấn tượng ban đầu của cô nơi đây không hề tốt đẹp, một cảm giác vô cùng khó chịu, và sợ hãi giao thông nơi này. Tại thời điểm đó, cô chỉ muốn xin bố mẹ quay trở về sớm vì không chịu nổi khói bụi và cảnh tắc đường nơi đây. Thế nhưng, trong một lần đi theo tổ chức tình nguyện viên toàn cầu đến Ba Vì, Hà Nội vào cuối năm 2013 đã thay đổi cuộc đời cô, Carly Placek cảm thấy yêu thương và gắn bó trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, Carly Placek quyết định ở lại Việt Nam để cùng với các cán bộ, nhân viên của trung tâm tự nguyện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Khi tiếp xúc với Carly Placek, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm chân thành cô dành cho con trẻ ở trung tâm xuất phát từ sự yêu thương những cuộc đời bất hạnh. Trong hai năm đầu ở Việt Nam, nhiều lần Carly cảm thấy thất vọng về bản thân. Đơn giản như việc cầm chổi quét nhà đối với cô cũng quá xa lạ, hay việc chào hỏi đúng cách cũng mất cả năm mới rõ. "Dường như mình đã quá được nuông chiều, chỉ sống trong nhung lụa", Carly nghĩ. "Muốn nói gì cũng chẳng ai hiểu, Carly stress vì bị cô lập. Cũng chính trong quá trình hòa nhập văn hóa, cộng đồng tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội Carly gặp bé Mít – một đứa trẻ kém may mắn mắc bệnh down bị gia đình bỏ rơi.

Cuộc sống của em là những ngày không có cảm xúc, không biết phản ứng với người xung quanh. Vậy mà khi cô bé gặp Carly lần đầu vào năm 2013, Mít đã giơ hai cánh tay bé nhỏ ra, như nói cô bồng bế.

Chính cái khoảnh khắc ngỡ ngàng ấy, Carly đã nghĩ: "Thiên thần của tôi đây rồi" và cô quyết định bỏ mọi công việc ở Mỹ, xin gia đình cho mình ở lại Việt Nam chăm những đứa trẻ không may mắn. Kể từ thời khắc đó Carly như được tiếp thêm động lực, cô bắt đầu học Tiếng Việt từ những câu đơn giản như chào chị, chào em...", rồi đến câu dài như "làm ơn giúp em mở cửa, dắt xe...". Dần dần hòa nhập được với cuộc sống Carly vui cười nhiều hơn vì được nhiều người nhiệt tình giúp đỡ và hỗ trợ cô.

Tại trung tâm, dù chỉ với vai trò là tình nguyện viên nhưng với tấm lòng chân thành, Carly luôn chăm sóc cho các trẻ khuyết tật rất trách nhiệm và chu đáo. Thời gian rảnh rỗi, Carly Placek chịu khó học tiếng Việt Nam để có thể dễ dàng giao tiếp với các cán bộ, nhân viên của trung tâm. Vào ngày thứ 7 hàng tuần, chị dạy tiếng Anh ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Tiền kiếm được từ việc dạy tiếng Anh, chị dành để giúp đỡ các trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt ở trung tâm. Chị Hoàng Thị Minh Hằng, 50 tuổi, một nhân viên lâu năm của trung tâm đã nhận xét:"Người như Carly hiếm lắm, tôi làm ở đây ngót nghét 20 năm nhưng cũng không nhanh nhạy bằng cô gái này", chị Hằng nói.

Từng chăm sóc người già, trẻ em khuyết tật ở Mỹ, chính vì vậy Carly không hề ngại ngần với việc thay tã, tắm rửa, giặt giũ cho những "học viên" tại trung tâm này. Có những hôm đang cặm cụi lau vết bẩn dưới sàn, cô bị đứa trẻ đứng tè thẳng vào đầu.

Carly vừa cười vừa mếu, tự nhủ trong lòng sẽ không bao giờ đóng bỉm sót cho học viên nào nữa. Carly làm việc không lương.

Cứ mỗi 4 tháng ở Việt Nam, cô lại bay về Mỹ 2 tháng làm quản lý siêu thị, rồi gom tiền lương tiếp tục trở sang Việt Nam. Bà Robbin, 57 tuổi, mẹ của Carly, liên tục hối con về tiếp quản công ty của gia đình, nhưng Carly chưa muốn. Cô thậm chí không nhận tiền trợ cấp từ người thân. Carly một cô gái đầy bản lĩnh thật hiếm ai có được, ngay cả người Việt mình cũng chưa chắc đã biết giúp đỡ lẫn nhau. Vậy mà một cô gái ngoại quốc lại giống như cô tiên giữa đời thường, biết sẻ chia, biết gắn bó, biết xoa dịu nỗi đau cho những đứa trẻ tật nguyền, bất hạnh.

Câu chuyện của Carly Placek khiến chúng ta cảm thấy vui ở trong lòng, cô như mang một nguồn sống mới đầy giản dị tới cho cuộc đời. Đáng lẽ ở độ tuổi cô, biết bao thiếu nữ xinh đẹp đang bận vui chơi, có cuộc sống tự tại, đi du lịch... thì Carly chọn cách sống giản đơn, cô không ngại ngần việc thay bỉm tả, cặm cụi lau nước tiểu, nấu ăn và phục vụ các em thơ tội nghiệp.

Thực sự, nếu không có một tấm lòng cao cả và hướng thiện, khó có ai làm được như cô gái Carly! Một cô gái quá bản lĩnh khi biết buông bỏ những cám dỗ để hướng tới lợi ích cộng đồng.

Đích đến cuộc đời là tình thương

Khi ở Mỹ, Carly sống trong căn nhà giá nửa triệu đô ngay tại trung tâm thành phố. Đến Việt Nam, cô sống trong căn trọ thuê chưa đến một triệu đồng mỗi tháng, đi ăn cơm bụi hàng ngày. Có những hôm Carly nuốt không nổi, nhất là những khi không có những loại rau quen thuộc như cà rốt, khoai tây, chỉ có mướp đắng, rau đay...

2 Xuc Dong Co Gai Tu Bo Cuoc Song Danh Gia Ben Troi Tay Sang Viet Nam Cham Soc Tre Em Tat Nguyen

Mặc dù hơn 6 năm qua Carly (thứ 2 từ phải qua) ít được ở cạnh gia đình, nhưng bố mẹ vẫn luôn ủng hộ cô gái.

Thế nhưng đối với cô, những tháng ngày buồn nhất lại là những ngày xa bé Mít. Những tháng ngày phải quay lại bên Mỹ, mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ khác, Carly chỉ ước rằng có Mít ở đó. Có nhiều lúc đang ngồi kiểm kê sổ sách siêu thị của gia đình, cô lại tặc lưỡi "cuộc sống không công bằng". Trong lòng cô luôn đau đáu việc những đứa trẻ ở trung tâm sống không có vòng tay cha mẹ, gia đình. Có những lúc lấy ảnh lũ trẻ ra xem, cô lại khóc. Đối với cô, bất kỳ ai cũng xứng đáng được đối xử công bằng, cô cảm thấy đau đớn khi những đứa trẻ kia không được chăm sóc đầy đủ và mang theo những gông cùm bệnh tật.

Tháng 8 vừa qua, mới về Mỹ được 2 tuần, cô gái 27 tuổi đã phải mua vé máy bay quay lại. Chị Hằng gọi bảo bé Mít bị viêm phổi, không thấy cô Carly nên bé quấy khóc, không uống thuốc, cũng không cho bác sĩ đụng vào người. Nếu Carly không quay lại, Mít sẽ gặp nguy kịch. Lần này, Carly không còn nhiều tiền trong người, nhưng cô cũng không dám nói với gia đình, chỉ cố gắng ăn uống, giảm bớt chi tiêu. Carly xin chủ trọ cho khất nợ vài tháng, khi về nước sẽ sớm trả. Giờ đây, tháng 11 lại sắp đến gần, lễ Tạ ơn ấm áp bên gia đình là điều mọi người Mỹ không muốn bỏ lỡ. Thế nhưng nếu như Carly về, có thể sẽ rất lâu nữa mới gặp lại Mít. "Không xin nuôi được bé Mít thì 1-2 năm nữa em về nước. Còn nếu được, em ở cả đời bên này luôn", Carly lặng lẽ nói. Bên cạnh cô, mấy nhân viên của trung tâm rơm rớm nước mắt nhìn.

3 Xuc Dong Co Gai Tu Bo Cuoc Song Danh Gia Ben Troi Tay Sang Viet Nam Cham Soc Tre Em Tat Nguyen

Carly luôn mong muốn sẽ được nhận nuôi bé Mít, 8 tuổi, mắc chứng bệnh down bị gia đình bỏ rơi.

Lặng người nghe những lời chia sẻ của Carly, mới thấy cô gái ấy thật phi thường và tuyệt vời quá! Cuộc sống khổ cực nhưng cô gái 27 tuổi vẫn vui vẻ vượt qua, bởi vì chính cô biết cái đích đến của cuộc đời là tình thương cho những đứa trẻ kém may mắn này. "Có thể nói Carly đã dành cả thanh xuân ở trung tâm này. Từ một cô bé chân ướt chân ráo đi ra nước ngoài, nay Carly đã dạn dĩ rất nhiều. Tôi và những nhân viên ở đây luôn biết ơn cô ấy", ông Đỗ Đức Hồng, giám đốc trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nơi Carly làm việc, bày tỏ.

Đã từng có người bán nhà mua xe cứu thương chở miễn phí người bệnh nghèo, có những người bị ung thư vẫn cố kiếm tiền rồi chạy đi giúp người khác, ngưỡng mộ hơn, có những người dành cả tuổi xuân của mình ở những viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, nơi chăm sóc người tật nguyền – như cách mà Carly đã sống suốt 6 năm ở Việt Nam.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC