Trong phút giây bối rối và vẫn còn bàng hoàng về vụ tai nạn của người em trai, chị Nguyễn Hồng Nga đã nén đau thương thuyết phục gia đình cùng đồng thuận giúp em trai Nguyễn Hy Na có thể thực hiện được nghĩa cử cao đẹp nhất: chia sẻ một phần cơ thể để cứu người bệnh vào những giây phút cuối của đời mình.

42 1 Xuc Dong Nguoi Chi Gai Hien Tang Em Trai De Mang Lai Su Song Cho Nhieu Nguoi

Các bác sĩ dành một phút mặc niệm người hiến tạng. Ảnh: BV

Anh Nguyễn Hy Na (31 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) làm nghề lái xe Grabbike. Trên đường trở về nhà anh bị ngã xe và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Qua các xét nghiệm, chụp CT đầu, bác sĩ chẩn đoán anh bị chấn thương sọ não và chảy máu não, tiên lượng xấu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết tình trạng của anh khó có thể qua khỏi.

Nhận được hung tin người em trai nhập viện cấp cứu và khó qua khỏi, chị Nguyễn Hồng Nga và cả gia đình đều rất đau buồn và không thể tin rằng người em trai của mình có thể ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong lúc đau thương nhất, chị Nga chợt nảy ra một suy nghĩ mà trước đây chị chưa từng nghĩ tới: "Em mình chẳng may chấm dứt sự sống một cách đột ngột nhưng cơ thể còn khỏe mạnh thì mình có thể hiến tặng những bộ phận trên cơ thể của em mình lại cho những bệnh nhân kém may mắn".

 42 2 Xuc Dong Nguoi Chi Gai Hien Tang Em Trai De Mang Lai Su Song Cho Nhieu Nguoi

Chị Nga xúc động chia sẻ: "Khi chết đi, dù được chôn hay hỏa táng thì thân xác cũng đều bị tiêu hủy và không để lại ý nghĩa gì, còn nếu dùng thân thể đó để hiến tặng thì có thể mang lại sự sống cho người khác".

Khi chị nói suy nghĩ của mình cho những người thân trong gia đình biết, mọi người đều không đồng ý và cho rằng phải tập trung cứu sống em trai trước, chỉ khi nào không cứu được thì mới nghĩ tới việc hiến tạng.

Bên cạnh đó, mọi người trong gia đình chị Nga cũng lo sợ nếu ký quyết định hiến tạng thì các bác sĩ sẽ không tận tình cứu chữa cho em trai của mình nữa. Chị đã trấn an và thuyết phục những người trong gia đình rằng "phải có niềm tin vào bác sĩ, các bác sĩ đang làm một việc rất nhân đạo".

"Nếu chờ tới lúc không cứu được mới hiến tạng thì không kịp. Trong tình huống đó buộc tôi phải có những quyết định thật nhanh và sáng suốt để mình không hối hận về sau", chị Nguyễn Hồng Nga chia sẻ.

Chị Nga tiếp tục thuyết phục mọi người trong gia đình cho phép hiến tạng em trai và cuối cùng đã được gia đình chấp thuận. Sau đó, chị đã chia sẻ suy nghĩ của mình cho bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện biết và được bác sĩ hướng dẫn chị liên lạc với Đơn vị điều phối ghép cácbộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). 

Chị Nguyễn Hồng Nga kể: Khoảng 0 giờ ngày 28/5, em trai Nguyễn Hy Na nhập viện cấp cứu thì đến 11 giờ cùng ngày chị đã gặp bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, để trao đổi vấn đề và chị đã quyết định ký giấy hiến tạng em trai.

 42 3 Xuc Dong Nguoi Chi Gai Hien Tang Em Trai De Mang Lai Su Song Cho Nhieu Nguoi

Nhờ sự quyết định rất nhanh của gia đình chị Nga, các bác sĩ mới có thể kịp thời đem món quà vô giá này tặng cho những người bệnh.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khi anh Nguyễn Hy Na còn đang nằm ở khoa Cấp cứu, gia đình đã có ý nguyện là sẽ hiến tất cả các tạng. Tuy nhiên, vì anh Nguyễn Hy Na ngưng tim đột ngột nên số lượng cơ quan lấy bị giảm xuống, chỉ có thể lấy được 2 quả thận và hai giác mạc là nơi chịu đựng được thời gian thiếu máu lâu nhất của các cơ quan.

"Đây là một quyết định khá khó khăn đối với tôi. Thật ra, người có đủ tư cách pháp lý để đưa ra quyết định này là bố mẹ tôi, nhưng bố mẹ tôi đang trong lúc chấn động về mặt tâm lý vụ tai nạn của em trai tôi nên tôi đã bàn với các em trong gia đình và quyết định ký vào giấy hiến tạng để có thể kịp thời cứu sống những người khác", chị Nguyễn Hồng Nga chia sẻ. Sau hơn một tháng, người em trai của chị ra đi, đến nay gia đình chị Nga vẫn chưa ai muốn tin rằng anh Nguyễn Hy Na đã ra đi nhanh và sớm như vậy.

Không giấu được xúc động, chị Nga chia sẻ thêm:

"Gia đình tôi theo đạo Phật nên có quan niệm khi chết đi, dù được chôn hay hỏa táng thì thân xác cũng đều bị tiêu hủy và không để lại ý nghĩa gì. Còn nếu dùng thân thể đó để hiến tặng thì có thể mang lại sự sống cho người khác, biết đâu đó, gia đình tôi có thể được gặp lại một phần nào đó cơ thể của em trai tôi ở những người khác".

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho hay, sự hiểu biết và quyết tâm của gia đình trong thời khắc sinh tử đã tạo thuận lợi giúp bác sĩ hoàn thành tốt trách nhiệm của mình là bảo vệ và chuyển giao được những món quà đầy tình người này đến người bệnh một cách an toàn trong tình huống khẩn cấp không làm chủ được thời gian là ngừng tim đột ngột.

Được biết, Việt Nam đã thực hiện ghép thận từ năm 1992 và cho đến nay đã thực hiện được khoảng 2.000 trường hợp nhưng số được ghép thận từ người cho chết não chỉ chiếm khoảng 5% còn lại là từ người cho sống.

Anh Nguyễn Hy Na là trường hợp thứ 4 của cả nước hiến tạng từ người cho tim ngừng đập.

Đan Phương Nguồn: baotintuc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC