Hôm đấy, bầu trời Trường Sa mây trắng lặng. Những người trong đoàn công tác đã không cầm được nước mắt khi bài diễn văn của đồng chí Lê Trọng Kinh, Đại tá Quân chủng Hải quân Việt Nam, vang lên trong lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988.
Rạng sáng ngày 3/6, tiếng còi tàu HQ 996 chở đoàn công tác số 10 ra thăm đảo Trường Sa vang lên những hồi còi dài, đánh thức chúng tôi khi mặt trời bắt đầu ló rạng phía chân mây. Mặt biển nhè nhẹ gợn sóng, quyện cùng ánh mặt trời như những con thuyền chở đầy ánh sáng hướng về Trường Sa Lớn thân yêu.
Con tàu đưa đoàn công tác đi qua đảo Gạc Ma, nơi các chiến sĩ Hải quân của chúng ta đã anh dũng hi sinh, ngã xuống trong cuộc chiến đấu gìn giữ chủ quyền biển đảo của đất nước cách đây 22 năm.
Tàu dần dần giảm tốc độ khi đi ngang qua đây, tất cả mọi người tập trung trên boong tàu, trên tay cầm hoa cúc trắng, nén nhang rồi nhẹ nhàng tới bàn tưởng niệm kính cẩn nghiêng mình. Trong khoảnh khắc ấy, những giọt nước mắt đã lăn trên gò má, những tiếng nấc tự trong tim không thành lời, những đôi mắt trĩu sâu hướng về biển cả mênh mông.
Những đóa cúc trắng của quân và dân gửi tới hương hồn các chiến sĩ hi sinh khi còn rất trẻ. |
Xúc động không cầm được nước mắt, trong lúc đọc diễn văn tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa, Đại tá Lê Trọng Kinh - Trưởng phòng hành chính của Quân chủng Hải quân - nghẹn ngào: “Hôm nay đoàn công tác của chúng tôi đi qua nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Bầu trời Trường Sa mây trắng lặng, lòng chúng tôi lặng trắng lệ tràn mi và vẫn vang vẳng đâu đây câu nói của Thiếu úy Trần Văn Phương – Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma: Không được lùi bước! Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng. Trong niềm xúc động sâu sắc, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các đồng chí và xin được thắp nén hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tưởng nhớ tới hương hồn của các đồng chí, mong các đồng chí thanh thản yên nghỉ, cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc!”.
Những giọt nước mắt đã rơi khi nhớ tới hi sinh cao cả của các anh vì Tổ quốc. |
Hòa thượng Thích Thanh Đàm, thành viên Hội đồng chứng minh Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ trì lễ cầu siêu các hương hồn liệt sĩ. Tiếng kinh nguyện cầu của những vị hòa thượng, tăng ni, phật tử càng khiến không khí buổi lễ trang nghiêm và thiêng liêng hơn.
Những vòng hoa giấy được kết từ trong đất liền được các chiến sĩ đặt lên bè xốp, từ từ thả neo xuống biển, nơi các anh mãi mãi nằm lại. Tiếng còi tàu vang lên hai hồi dài, một nghi thức của những người lính hải quân, như lời nhắn gửi tới linh hồn của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống: Các anh hãy yên lòng, Tổ quốc ghi công các anh!.
Gửi tới hương hồn các chiến sĩ nằm lại nơi đây tình cảm của nhân dân, của đất liền tới hải đảo thân yêu. |
Trong đoàn công tác số 10 ra Trường Sa lần này, có nhiều người còn rất trẻ. Họ mới chỉ bước qua tuổi 20, cái tuổi còn chưa thấm thía gian khổ. Vì thế khi được tận mắt chứng kiến cái mênh mông sóng gió của biển khơi, họ mới phần nào thấu hiểu được những chiến công thầm lặng của những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo xa xôi của đất nước.
Con tàu vẫn lướt sóng hướng về Trường Sa lớn. Phía sau chỉ còn lại những đóa cúc trắng dập dềnh trên đầu những con sóng giữa đại dương bao la. Ngồi trên boong tàu, chúng tôi vẫn cảm thấy vang mãi đoạn diễn văn của đồng chí Lê Trọng Kinh: "Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược biển Đông…”
Theo VTCNews.