Nghệ sỹ vĩ cầm Tạ Trí Hải tại lễ tưởng niệm ở TP HCM
Các lễ tưởng niệm quy mô nhỏ về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 đã diễn ra hôm 17/2 tại Hà Nội và Sài Gòn.
Sáng thứ Ba 17/2, một buổi lễ tưởng niệm được câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng tổ chức tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo (bến Bạch Đằng, Q.1, TP HCM) để đánh dấu 36 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung.
Buổi lễ này có sự tham gia của khoảng 40 người, trong đó có nhiều nhân sỹ trí thức.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người có mặt trong buổi lễ, nói với BBC rằng những người tham gia 'không bị ngăn cản' như mọi năm tuy một số người 'bị chặn từ nhà' không tới được.
Ông Chênh cho hay an ninh vẫn có mặt như thường lệ tại các buổi lễ nhưng "không đông đảo như năm ngoái".
"Năm ngoái chúng tôi có 20 người thì an ninh 40 người."
Tuy nhiên một số người như Tiến sỹ Phạm Chí Dũng hay nhà văn Phạm Đình Trọng bị chặn ngay từ ở nhà, không tới được nơi tổ chức lễ tưởng niệm, theo ông Huỳnh Ngọc Chênh.
Ở Hà Nội, sáng 17/2 một số nhà hoạt động cho phong trào No-U được biết cũng đã tới một nghĩa trang liệt sỹ ở Từ Liêm để thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Các mạng xã hội nhân dịp này tràn ngập thông tin và hình ảnh về cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1979, trong đó hàng chục nghìn thường dân Việt Nam đã thiệt mạng sau khi lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh 'phản công tự vệ' nhằm 'dạy cho Việt Nam một bài học'.
Thế nhưng báo chí chính thống lại không viết gì nhiều về sự kiện này.
Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng được tin sắp có chuyến thăm Trung Quốc. Bình luận về sự im ắng trên báo trong nước, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói: "Một số báo có lên tiếng, như báo Thanh Niên hôm nay có bài, nhưng nói chung là nói rất ít".
"Tôi cũng không rõ, có lẽ đó là theo chính sách của Nhà nước, của Đảng?"
"Thế nhưng người dân thì sẽ không bao giờ quên!"
Theo BBC