Theo công bố chính thức, Lạng Sơn đã loại khỏi vòng chiến 19.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn và 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp, 52 xe quân sự.
19.000 quân địch đã phải bỏ mạng ở Lạng Sơn
Trên hướng Tràng Định, Trung đoàn 199, Tiểu đoàn 6 Tràng Định, Đồn biên phòng Pò Mã, Bình Nghi… cùng dân quân Đội Cấn, Tri Phương, Quốc Khánh vừa bám đánh, ngăn chặn địch ở chốt Pò Mã, Pò Pùn, Lũng Xá, Khau Mười, Bản Tang… vừa tổ chức sơ tán hơn 10.000 đồng bào khỏi khu vực chiến sự.
Ngày 25-2, trên hướng này quân Trung Quốc chiếm được thị trấn Thất Khê.
Trên hướng Lộc Bình, Trung đoàn 123, Tiểu đoàn 9 Lộc Bình. Đồn biên phòng Chi Ma cùng dân quân Tú Mịch, Yên Khoái… chiến đấu bảo vệ các điểm cao 540, 468, 557 (Chi Ma), khu vực Bản Thín, Bản Lan, điểm cao 412, 481, 402 (Tú Mịch), phản kích buộc địch phải co cụm lại ở phía nam núi Mẫu Sơn. Đến ngày 28-2 trên hướng này quân Trung Quốc chiếm được thị trấn Lộc Bình.
Trên hướng Đình Lập, Sư đoàn 338, Tiểu đoàn 131 Đình Lập, Đồn biên phòng Bắc Xa, Chi Lăng hiệp đồng với tự vệ các nông lâm trường… chặn đánh địch ở điểm cao 899 (Chè Mùng), 538 (Bản Chắt), 476, 549, mỏ than Na Dương…
Đặc biệt, để chia lửa cho sư đoàn bạn, ngày 22-2 Sư đoàn 338 đã chủ động dùng Trung đoàn 460 tổ chức tiến công vào hậu phương của địch, loại khỏi vòng chiến 1 tiểu đoàn Trung Quốc và phá hủy toàn bộ khu doanh trại, hậu cần của chúng.
Ngoài ra sư đoàn còn cho công binh luồn sâu 20km vào sau lưng địch đánh sập 2 cầu và dùng một bộ phận tinh nhuệ tập kích sân bay Ninh Minh (Quảng Tây).
Trên hướng Văn Lãng, một bộ phận của Trung đoàn 12 Sư đoàn 3, Tiểu đoàn 7 Văn Lãng, Đồn biên phòng Tân Thanh, Na Hình... đã phối hợp phòng ngự có hiệu quả ở Nà Nôi, Bản Thấu (Tân Yên), Thụy Hùng… buộc địch phải tạm dừng tiến công trong ngày 17-2.
Trên hướng Cao Lộc, Tiểu đoàn 8 Cao Lộc, Đồn biên phòng Thanh Lòa, Ba Sơn cùng một bộ phận Trung đoàn 141 Sư đoàn 3 chặn địch ở điểm cao 499 (Xuất Lễ), trên hướng Bản Xâm, Thanh Lòa...
Đặc biệt, tại hướng trọng điểm Đồng Đăng, từ sáng 17-2 cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra liên tục xung quanh thị trấn Đồng Đăng (cách thị xã Lạng Sơn 14km) và ngã ba Tam Lung (cách thị xã Lạng Sơn 7km) với các điểm nóng ở khu vực cửa khẩu Hữu Nghị và điểm cao 402, cụm chốt Thâm Mô-Pháo đài-điểm cao 339, ga Đồng Đăng, khu đồi Chậu Cảnh, điểm cao Khôn Làng….
Mặc dù bị tổn thất, các đơn vị hỗn hợp của Sư đoàn 3, Trung đoàn 12 Thanh Xuyên, Tiểu đoàn 11 bộ đội địa phương thị xã, Tiểu đoàn 1 cảnh sát cơ động, Đại đội 5 công an vũ trang, Đồn biên phòng Hữu Nghị Quan... cùng dân quân tự vệ tại chỗ đã kiên cường bám trụ trận địa, đồng thời tổ chức tiến công giành giật lại các vị trí bị chiếm đóng, gây cho đối phương những thiệt hại hết sức nặng nề.
Sư đoàn 3 phản kích địch ở ngã ba Tam Lung, Lạng Sơn
Bị giam chân suốt nhiều ngày, đến ngày 22-2, quân Trung Quốc tăng cường lực lượng mở một đợt tiến công mới vào Tân Yên, Đồng Đăng.
Nhờ ưu thế vượt trội về binh hỏa lực, sau hàng loạt trận đánh liên tục, đến ngày 23-2-1979, địch chiếm được khu vực Tân Yên, Đồng Đăng. Đến ngày 27-2 chiếm được khu vực Tam Lung.
Ngày 24-2-1979, Quân khu 1 quyết định thành lập Mặt trận Lạng Sơn, Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó giám đốc Học viện quân sự cấp cao được điều về giữ chức Phó tư lệnh Quân khu kiêm Tư lệnh Mặt trận.
Đồng thời, 2 sư đoàn chủ lực cùng nhiều tiểu đoàn bộ binh, binh chủng và dân quân tự vệ ở tuyến sau được điều động lên chi viện cho tiền tuyến.
Từ ngày 23-2, sau khi tiến hành sơ tán các cơ quan và nhân dân trong thị xã Lạng Sơn, đội hình phòng thủ của ta được điều chỉnh lại: Sư đoàn bộ binh 3 và Trung đoàn 197 Bắc Thái mới tăng cường đảm nhiệm phòng ngự khu vực phía tây và tây nam thị xã; Sư đoàn bộ binh 327, Trung đoàn xe tăng 407 và các đơn vị của BCHQS tỉnh đảm nhiệm khu vực phía bắc và đông thị xã; Trung đoàn phòng không 272 bố trí ở cả phía bắc và nam thị xã, vừa chi viện bộ binh chiến đấu vừa sẵn sàng đánh trả máy bay địch.
Từ ngày 28-2, cuộc chiến đấu trên mặt trận Lạng Sơn bước sang một giai đoạn cam go mới.
Phía Trung Quốc huy động thêm bộ binh, xe tăng, pháo binh mở cuộc tiến công quy mô lớn trên cả ba hướng đông, bắc và tây nhằm đánh chiếm thị xã.
Lực lượng vũ trang ta tổ chức kháng cự quyết liệt. Các trận đánh phòng ngự, tập kích và phản kích dữ dội diễn ra trên các trục đường 1A, 1B, Bản Sâm, Cao Lộc vào thị xã, khu vực Tam Thanh, Nhị Thanh, Hoàng Đồng, Mai Pha và thị trấn Kỳ Lừa…
Ở phía sau, Sư đoàn 337 lên tăng cường từ chiều 25-2 cũng bước vào chiến đấu với mũi vu hồi chiến dịch của địch trên hướng cầu Khánh Khê, đường 1B.
Chiến sự diễn ra vô cùng căng thẳng, có những nơi như điểm cao 500, 607, 649 (đường 1B), 449, 473 (Cao Lộc)… hai bên liên tục giành đi giật lại nhiều lần.
Ngày 2-3, Quân đoàn 5 trực thuộc Quân khu 1 do Thiếu tướng Hoàng Đan làm tư lệnh và Đại tá Phí Triệu Hàm làm chính ủy được thành lập.
Các sư đoàn bộ binh đang chiến đấu bảo vệ Lạng Sơn (3, 327, 337, 338) cùng các trung đoàn binh chủng của Quân khu 1 được đặt dưới quyền chỉ huy chung của Bộ tư lệnh Quân đoàn.
Chiều tối cùng ngày hôm đó, quân Trung Quốc chiếm được thị trấn Kỳ Lừa, các đơn vị của ta rút về nam sông Kỳ Cùng. Bộ tư lệnh Quân đoàn 5 quyết định điều Sư đoàn 3 về làm lực lượng dự bị, riêng Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 tiếp tục bám trụ trên đường 1B đánh vào sau lưng địch, phối hợp với Sư đoàn 337 kiên quyết chốt chặn tuyến giao thông này, không cho địch vượt qua cầu Khánh Khê tiến sang thị xã và huyện Văn Quan.
Ngày 3-3, đối phương tiếp tục tung thêm lực lượng vào tiến công. Trên hướng chính, địch tổ chức 3 mũi đột kích từ điểm cao 520, Hoàng Đồng và Kỳ Lừa. Trên hướng Mai Pha địch cũng tổ chức 2 mũi đánh từ phía bắc sông Kỳ Cùng và đông nam thị xã. Đến chiều 4-3, trên hướng đông-đông nam quân Trung Quốc chiếm được khu vực nam sông Kỳ Cùng, sân bay Mai Pha và các khu phố trong thị xã Lạng Sơn.
Tối 4-3, Bộ tư lệnh Quân đoàn 5 thông qua và bắt đầu triển khai phương án mở chiến dịch phản công.
Cùng thời điểm này lực lượng tăng cường của Quân đoàn 1 cũng đã hoàn tất triển khai vào vị trí chiến đấu trên tuyến Chi Lăng-Đồng Mỏ-Hữu Kiên phía nam thị xã.
Trung đoàn pháo binh 204 với 36 dàn hỏa tiễn bắn loạt 40 nòng BM-21 đã tập kết và lấy phần tử sẵn sàng khai hỏa.
Ngày 5-3, giữa lúc các sư đoàn trên mặt trận đang ráo riết chuẩn bị thì trưa hôm đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam và ngày hôm sau quân Trung Quốc rút về phía bắc sông Kỳ Cùng.
Bộ Quốc phòng quyết định cho dừng chiến dịch phản công.
Từ ngày 6-3, lực lượng vũ trang ta tiếp tục tiến đánh những bộ phận địch còn chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam, buộc đối phương phải rút khỏi Cao Lộc (9-3), Lộc Bình (13-3), Đồng Đăng, Tân Thanh (15-3)… về bên kia biên giới.
Để lập nên chiến công này, quân dân Lạng Sơn cũng đã phải chịu hy sinh to lớn: Sư đoàn 3 hy sinh 6,6% và bị thương 8,4% quân số; Sư đoàn 337 hy sinh 650 cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn 338 hy sinh 260 cán bộ chiến sĩ… 20 cá nhân và 14 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Quân đoàn 5 được mang danh hiệu “Binh đoàn Chi Lăng”, Sư đoàn 337 được tặng danh hiệu “Sư đoàn Khánh Khê”.
Trên mặt trận Cao Bằng
Ở Cao Bằng, hướng tiến công chính của địch ở Thông Nông-Hà Quảng và Phục Hòa-Đông Khê. Nhờ huy động một lực lượng áp đảo nên ngay từ những ngày đầu đối phương đã có nhiều mũi tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam, chia cắt và gây rối loạn hệ thống chỉ huy của ta.
Xe tăng Trung Quốc bị Sư đoàn 346 tiêu diệt ở Bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng sáng 18-2-1979
Trên hướng Hà Quảng, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 246 Sư đoàn 346, Tiểu đoàn 6 Hà Quảng, Đồn biên phòng Sóc Giang, Nậm Nhũng… cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ diễn ra suốt 4 ngày liền từ 17-2 đến 20-2 trên các chốt Cốc Ngựu, Cốc Nhu, Cốc Vường, điểm cao 505, Trúc Long-Địa Lan, Nà Xác, Trường Hà… chặn đứng hướng tiến công rất mạnh của địch ở khu vực cửa khẩu Sóc Giang.
Bị tổn thất không tiến lên được, ngày 22-2 quân Trung Quốc làm đường cho xe tăng vượt biên giới ở khu vực mốc 109, theo đường Pác Bó-Nà Mạ-Đôn Chương đánh vu hồi vào sau lưng và bên sườn trận địa ta, kết hợp với tấn công chính diện theo hướng cửa khẩu Bình Mãng-Sóc Giang.
Trung đoàn 246 mặc dù chiến đấu dũng cảm nhưng bị bao vây và cắt đường tiếp tế, trước sức ép của địch phải rút khỏi Sóc Giang lên khu vực thung lũng núi giữa Hà Quảng và Thông Nông tiến hành đánh du kích. Địch chiếm được Sóc Giang và tiếp tục phát triển xuống phía nam Hà Quảng.
Trên hướng Trà Lĩnh, Trung đoàn 677 Sư đoàn 346 bảo vệ hướng phòng ngự chủ yếu của sư đoàn phối hợp với Đồn biên phòng Trà Lĩnh và các đơn vị địa phương kiên cường đánh địch ở bình độ 700, đồi Quyết Tử, đồi Thanh Niên, điểm cao 800 và 815 (Phai Can), khu vực mỏ mangan, trục đường Xuân Nội-Quang Trung… đánh bại các đợt tiến công của địch trong nhiều ngày. Tuy nhiên ngày 26-2 địch chiếm điểm cao 815 lần thứ hai.
Trung đoàn 677 phải lui về phía sau, phân tán cùng dân quân các bản làng tiếp tục chiến đấu.
Trên hướng Quảng Hòa, Trung đoàn 567 cùng Đồn biên phòng Tà Lùng, tự vệ nông trường và dân quân Đại Tiến, Cách Linh… giữ vững trận địa chốt chặn ở khu vực đèo Khâu Chỉa (Phục Hòa) suốt 12 ngày đêm, có những ngày đẩy lui 7-8 đợt tiến công gây thiệt hại nặng cho địch, không để đối phương dùng khu vực này làm bàn đạp tiến về hướng Quảng Uyên, Mã Phục.
Trên hướng Trùng Khánh, Hạ Lang, Bảo Lạc địch cũng tấn công các đồn biên phòng Pò Peo, Bí Hà, Lý Vạn, Cốc Pàng, Nậm Quét… cùng một số chốt của lực lượng địa phương.
Trên hướng Thông Nông và Thạch An, do phòng ngự của ta sơ hở, quân Trung Quốc nhanh chóng chiếm được thị trấn Thông Nông và Đông Khê rồi dùng xe tăng tiến thẳng về thị xã Cao Bằng.
Sáng 17-2, nhân viên bưu điện huyện Thạch An báo cáo về tỉnh, cho biết xe tăng địch cắm cờ Việt Nam đi qua trước cửa nhà bưu điện về hướng thị xã. Được tin này, Tư lệnh Quân khu 1 lập tức ra lệnh cho BCHQS tỉnh và Sư đoàn 346 tổ chức đưa lực lượng đến đèo Ngườm Kim, Nậm Nàng chặn đánh.
Chấp hành mệnh lệnh trên, một bộ phận Trung đoàn 851 Sư đoàn 346 khẩn trương cơ động và trong các ngày 18 và 19-2 liên tục chiến đấu với mũi tiến công cơ giới của địch trên đường số 4 và đường từ Nước Hai về thị xã, bắn cháy hàng chục xe tăng ở khu vực Bản Sẩy, Đức Long (Hòa An), cây số 9-12 trên đường số 4…
Chiếc xe tăng trinh sát của Trung Quốc đến được Nà Toòng ngoại vi thị xã cũng bị đơn vị cao xạ 37mm của Sư đoàn 346 tiêu diệt.
Từ ngày 19-2, địch bắt đầu áp sát thị xã Cao Bằng từ nhiều hướng.
Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã diễn ra suốt nhiều ngày nhưng do tương quan chênh lệch, đến ngày 24-2 đối phương chiếm được thị xã Cao Bằng và có những mũi vu hồi đánh lấn xuống khu vực đường số 3, Khâu Đồn, đèo Cao Bắc, có những mũi thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam 50-60km (cầu Tài Hồ Sìn).
Nhiều đơn vị của ta bị tổn thất, rơi vào thế bị chia cắt, bao vây cả 4 mặt.
Ngày 26- 2-1979, Quân khu 1 quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Cao Bằng do Đại tá Đàm Văn Ngụy, Phó tư lệnh Quân khu đứng đầu. Ngày 28-2, Bộ tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho Trung đoàn 677 và Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút về phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị đánh phản kích.
Trước tình hình căng thẳng, Quân khu 1 gấp rút điều động Trung đoàn 852 và 183, tiểu đoàn pháo tầm xa 122mm của Lữ đoàn 675, các tiểu đoàn bộ đội và tự vệ phía sau lên phối hợp với các đơn vị tại chỗ tổ chức phòng tuyến mới ở phía nam cầu Tài Hồ Sìn, đường số 3, mỏ thiếc Tĩnh Túc…
Lực lượng vũ trang ta đánh lui các đợt tiến công của quân Trung Quốc từ 20 đến 23-3, sau đó phản kích đẩy địch về khu vực cây số 5 và ngã ba Khâu Đồn, đồng thời bao vây một bộ phận mũi vu hồi của địch ở Nguyên Bình.
Ngày 1-3-1979 trên mặt trận Cao Bằng, Sư đoàn bộ binh 311 gồm Trung đoàn bộ binh 169, 529, 531 bộ binh và Trung đoàn pháo binh 456 được thành lập.
Tuyến phòng ngự thứ hai được hình thành từ Tài Hồ Sìn đến Ngân Sơn. Chiến sự diễn ra quyết liệt trên khắp địa bàn tỉnh. Sư đoàn 311 tổ chức cắt đường số 4, ngăn chặn cơ động tiếp tế của đối phương.
Các tiểu đoàn đặc công 20 và 45 luồn sâu vào sau lưng địch, phối hợp với dân quân tự vệ tổ chức nhiều cuộc tập kích, phục kích gây cho quân xâm lược những thiệt hại nặng nề.
Tiểu đoàn đặc công 45 cơ động tập kích địch trên mặt trận Cao Bằng.
Hai ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố rút quân, ngày 7-3 quân Trung Quốc bắt đầu rút khỏi Thông Nông, Trà Lĩnh, vừa đi vừa tàn phá các khu vực nằm trên đường di chuyển của chúng.
Trước tình hình trên, cùng ngày hôm đó Bộ tư lệnh mặt trận hạ lệnh chuyển sang phản kích, dùng pháo binh bắn phá đội hình hành quân, các điểm tập kết người và xe cơ giới của địch...
Trước áp lực tiến công của ta, nhiều đơn vị Trung Quốc vội vã rút chạy bỏ lại cả xe cộ, vũ khí và thương binh tử sĩ. Ngày 14-3, ở Minh Tâm (Nguyên Bình), một đại đội chủ lực địch bị lực lượng địa phương của ta vây hãm đã phải hạ súng đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 15-3, quân Trung Quốc rút khỏi thị xã và huyện Hòa An; ngày 16-3 rút khỏi Trùng Khánh, Quảng Hòa và Thạch An; ngày 17-3 rút khỏi Trà Lĩnh; ngày 18-3 rút khỏi Hà Quảng và Thông Nông. Đến đây, chiến sự trên mặt trận Cao Bằng tạm thời lắng xuống.
Theo công bố chính thức, trong một tháng chiến đấu trên hướng này các lực lượng vũ trang và nhân dân Cao Bằng đã loại khỏi vòng chiến 18.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn địch, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, giữ kỷ lục về số xe tăng, thiết giáp tiêu diệt được và số tù binh bắt sống.
Với thành tích chiến đấu, 5 cá nhân và 17 đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Sư đoàn 311 được mang danh hiệu “Sư đoàn Đông Khê”; Trung đoàn 567 được nhân dân địa phương tặng danh hiệu “Trung đoàn Khâu Chỉa”, “Trung đoàn Phục Hòa”.
theo infonet