Trong loạn lạc, bé gái hơn 2 tuổi được cô bộ đội cứu giúp, bế hơn một ngày trời từ rừng ra. Khoảng khắc ấy đã lọt vào ống kính của một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nay, sau 40 năm, “cô bộ đội” và “em bé” ấy đã tìm lại được nhau, gọi nhau là mẹ - con.

Cuộc gặp chớp nhoáng giữa thời loạn

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Hoàng Thị Hiền (SN 1976, trú tại xóm 3 Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), cán bộ địa chính xã Bế Triều (huyện Hòa An, Cao Bằng), dùng điện thoại di động gọi video hỏi thăm “mẹ” Mùi. Hơn 2 năm từ sau cuộc hội ngộ đặc biệt, ngày ngày, chị đều gọi điện hỏi thăm người đã cứu giúp mình trong chiến tranh, loạn lạc.

Chị Hoàng Thị Hiền và “mẹ” Mùi (bà Bùi Thị Mùi, quê Thanh Ba, Phú Thọ) là 2 nhân vật chính trong bức ảnh “Cô bộ đội và em bé” do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường chụp lại khi quân Trung Quốc ồ ạt tấn công sang nước ta đầu năm 1979.

42 1 Co Bo Doi Va Em Be Nam 1979 Bay Gio Ra Sao

Bức ảnh "Cô bộ đội và em bé" do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường chụp đầu năm 1979.

“Hồi ấy tôi mới hơn 2 tuổi. Mẹ tôi kể, khi Trung Quốc tấn công sang, bà bế tôi chạy loạn cùng mọi người. Đến khu vực Bản Tấn (huyện Hòa An, Cao Bằng), mẹ tôi bị giặc bắn, ngất đi, còn tôi loanh quanh bên mẹ, gào khóc suốt đêm.” - chị Hiền nhớ lại những gì mẹ chị đã kể.

Sáng 19/2, đoàn xe quân sự của ta chạy qua, phát hiện hai mẹ con chị Hiền, những người lính đã đưa hai mẹ con chị lên xe về tuyến sau cấp cứu. Trong đó, một cô bộ đội đã bế chị suốt hơn một ngày trời từ rừng ra.

Đến khu vực cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, Cao Bằng), cô bộ đội và em bé đã gặp nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường. Sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã kịp ghi lại khoảnh khắc cô bộ đội bế em bé trên tay trong khi người mẹ em bé máu chảy bê bết, có vẻ như đã chết, được các chiến sĩ đưa lên xe ô tô.

“Ra đến ngã ba Phố Thông (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), tôi gặp ông nội và mọi người đang chạy giặc nên được đón luôn, còn mẹ tôi được bộ đội đưa về chữa trị tại Viện Quân y 91 ở Thái Nguyên.” - chị Hiền kể.

42 2 Co Bo Doi Va Em Be Nam 1979 Bay Gio Ra Sao

Chị Hoàng Thị Hiền trò chuyện cùng PV Dân trí tại trụ sở UBND xã Bế Triều, huyện Hòa An, Cao Bằng.

Tấm hình cô bộ đội bế em bé của nhà báo Trần Mạnh Thường sau đó được đăng trên báo Quân đội nhân dân với chú thích: “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24/2/1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em”.

40 năm tái hợp

“Mẹ tôi kể, năm 1979, khi thấy ảnh đăng báo, biết em bé đó là tôi, gia đình tôi đã cắt bức ảnh đó từ tờ báo, lưu giữ trong cuốn album ảnh của gia đình. Từ đó đến lúc mất (năm 2012 - PV), bà luôn ao ước được gặp lại những cô chú bộ đội đã cứu giúp hai mẹ con tôi hồi đó.” - chị Hiền chia sẻ.

Trong nhiều năm trời, bố chị Hiền làm nghề lái xe đã dò hỏi khắp nơi để tìm manh mối về những người đã cứu giúp mẹ con chị, đặc biệt là cô bộ đội đã bế chị Hiền. Xuất viện năm 1981, mẹ chị Hiền bị cụt một chân do vết thương chiến tranh nên không thể cùng chồng đi tìm những ân nhân được. Năm 1987, bố chị Hiền qua đời, việc tìm kiếm coi như đã dừng lại.

42 3 Co Bo Doi Va Em Be Nam 1979 Bay Gio Ra Sao

Chị Hiền cùng "mẹ" Mùi ngày ngày gọi video trò chuyện cùng nhau.

“May mắn, từ năm 2014 đến năm 2016, với sự giúp đỡ của các nhà báo, tôi đã tìm lại được “mẹ” Mùi, người đã bế tôi từ rừng ra năm đó.” - chị Hiền xúc động.

Cả đêm đi xe khách từ Cao Bằng xuống Hà Nội để đi Phú Thọ, chị Hiền hồi hộp không thể chợp mắt. Bước vào căn nhà đơn sơ ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ), câu đầu tiên chị bật ra trong nước mắt là “Mẹ ơi!”.

“Đó là những tình cảm từ trong đáy lòng tôi. Hai mẹ con ôm nhau nức nở. Mẹ Mùi còn nhớ như in hồi đó, mẹ lên Cao Bằng đóng quân một thời gian thì chiến tranh xảy ra. Đơn vị mẹ bị địch tập kích, đang trên đường rút thì gặp đoàn bộ đội đang cứu giúp hai mẹ con tôi, thấy tôi khóc khản tiếng nên mẹ Mùi đã bế tôi vào lòng, dỗ dành.” - chị Hiền chia sẻ.

Sau chiến tranh, cô bộ đội Bùi Thị Mùi xuất ngũ trở về địa phương. Thời gian lao động ở quê nhà, bà Mùi không may gặp tai nạn, liệt hai chân, phải ngồi xe lăn.

Hai vợ chồng bà Mùi không có con. Toàn bộ sinh hoạt đều phải nhờ đến người chồng bao năm gắn bó. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Chồng bà cũng không dám đi làm ăn xa vì còn dành thời gian chăm sóc vợ.

Sau cuộc gặp gỡ đầy xúc động, chị Hiền đã nhận bà Mùi làm mẹ nuôi. Hàng năm, chị cùng chồng con đều đôi lần đến Phú Thọ thăm bố mẹ nuôi. Ngày ngày, với sự hỗ trợ của công nghệ, hai mẹ con vẫn gọi video tâm sự với nhau những chuyện vui buồn…

Tiến Nguyên

dantri.com.vn

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC