Anh và chị đều đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 1979. Năm 2017, gia đình hai bên tổ chức lễ ăn hỏi cho anh chị. Khoảnh khắc đoàn nhà trai mang sính lễ đến hỏi cưới cô gái Hồng Chiêm ở xã Bình Ngọc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tất cả những người có mặt đều rơi nước mắt... 

42 1 Le An Hoi Dam Nuoc Mat Cua 2 Liet Si Da Hy Sinh Tu Mua Xuan Nam 1979

Đài tưởng niệm Pò Hèn (ảnh QTV)

"Quên sao được khi bỗng chốc mất đi 45 anh em!"

Chúng tôi may mắn được đồng hành cùng ông Hoàng Như Lý trên chuyến xe trở lại với Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) vào một chiều cuối năm Mậu Tuất.

Trên chuyến xe này, bằng chất giọng trầm buồn đầy xúc động, ông Lý  kể cho chúng tôi nghe câu truyện về trận chiến đấu không cân sức bảo vệ biên giới 40 năm trước, về những người lính đã ngã xuống mùa xuân năm 1979, về hành trình tìm kiếm phần mộ của từng đồng đội… 

Điều khiến chúng tôi kinh ngạc là ông Lý có thể nhớ như in từng khu vực, từng điểm chốt mỗi đồng đội đã ngã xuống... Ông nói như lý giải: "Quên sao được khi bỗng chốc mất đi 45 anh em, những người đã thân quen tựa máu thịt... Tôi sống sót trong trận chiến khốc liệt ấy chính là bởi anh em đồng đội đã nhường cho tôi phần may mắn.

Và suốt nhiều năm qua, những người lính hy sinh thân mình bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ấy đã ủy thác, đã cho tôi sức khỏe, tình yêu thương… để tôi có cơ hội chu toàn từng phần việc tri ân”.

“Bùi Văn Lượng cùng 5 đồng đội đã hy sinh tại Chốt Trạm kiểm soát, Đồi Quế là nơi 6 anh em nằm xuống, Chính trị viên trưởng Phạm Xuân Tảo hy sinh ngay tại khu vực chân Đồi Quế…

Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà dù được đưa về nghĩa trang Hà Tu, TP Hạ Long từ lâu nhưng người nhà nhiều năm không tìm được vì bia mộ lại ghi tên Nguyễn Mạnh Thọ. Phải đến khi thông qua nhiều kênh xác định được đây chính là phần mộ của Hà, tôi cùng gia đình mới quyết định làm thủ tục xin xác định ADN và kết quả đúng là liệt sĩ Hà”, ông Lý cứ chầm chậm nhắc tên từng đồng đội như vậy.

42 2 Le An Hoi Dam Nuoc Mat Cua 2 Liet Si Da Hy Sinh Tu Mua Xuan Nam 1979

Ông Hoàng Như Lý dành nhiều năm để kiếm tìm, chăm sóc các mộ phần đồng đội (ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng theo ông Lý, từ đầu năm 1997, ông bắt đầu hành trình tìm lại từng phần mộ của đồng đội. Quá trình kiếm tìm ấy đã giúp ông nắm rõ đồng đội ông đang yên nghỉ ở đâu.

Ông chia sẻ, “giờ chỉ canh cánh trong lòng về phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện, quê ở Đức Chính, Đông Triều chưa tìm thấy và phần mộ liệt sĩ Nguyễn Thế Nam tuy đã được đặt tại nghĩa trang nhưng lại mang tên Nguyễn Thị Nam; tôi và gia đình vẫn chưa hoàn tất được thủ tục đổi lại tên".

Không chỉ kiếm tìm phần mộ đồng đội, ông cùng bạn bè còn chung tay đặt tấm bia đá ghi tên 45 liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Pò Hèn. Ngoài ra ông còn cất công tìm kiếm, xác định rồi lặng lẽ đặt bia đá tưởng niệm tại từng nơi đồng đội đã nằm xuống.

Lễ ăn hỏi đẫm nước mắt

42 3 Le An Hoi Dam Nuoc Mat Cua 2 Liet Si Da Hy Sinh Tu Mua Xuan Nam 1979

Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm không chịu lùi về tuyến sau mà ở lại sát cánh cùng người yêu và các chiến sĩ trong Đồn Pò Hèn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng (ảnh gia đình cung cấp)

Lịch sử của Đồn Biên Phòng Pò Hèn ghi lại, liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm vốn là cán bộ thương nghiệp. Ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 và chiếm được vị trí Đồi Quế, thuộc vùng biên giới Pò Hèn. Hồng Chiêm đã quyết tâm ở lại đồn cùng chiến đấu.

Tại đây, Hồng Chiêm không chỉ chăm sóc, sơ cứu, băng bó cho các chiến sĩ bị thương mà còn sát cánh cùng các chiến sĩ trong đồn chống trả lại quân địch đến hơi thở cuối cùng.

Năm 1979, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hồng Chiêm và tên của chị đã được ghi vào trang sử truyền thống của Đoàn thanh niên.

Theo lời kể của ông Hoàng Như Lý, Hồng Chiêm là một cô gái đẹp người, đẹp nết, có khí chất mạnh mẽ. Những ngày làm cán bộ thương nghiệp tại Pò Hèn, Hồng Chiêm đã gặp gỡ và yêu anh Bùi Văn Lượng, một chiến sĩ của Đồn Pò Hèn. Khi đồn bị kẻ địch bao vây, Hồng Chiêm kiên quyết không chịu lùi về tuyến sau mà lựa chọn ở lại sát cánh chiến đấu cùng người yêu. Cả chị và anh Lượng đã cùng hy sinh trong trận chiến ấy...

42 4 Le An Hoi Dam Nuoc Mat Cua 2 Liet Si Da Hy Sinh Tu Mua Xuan Nam 1979

Tượng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm được đặt tại sân trường Bình Ngọc (ảnh ông Hoàng Như Lý cung cấp)

Năm 2017, tình cờ biết được mong mỏi của gia đình hai bên về việc tác thành cho chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh Bùi Văn Lượng, một phóng viên của đài địa phương cùng ông Lý đã nảy ra ý tưởng một tổ chức lễ ăn hỏi cho hai liệt sĩ.

Sau khi kết nối và được gia đình hai bên đồng ý, ngày 6/8/2017, lễ ăn hỏi chưa từng có đẫm nước mắt đã được tổ chức.

Khoảnh khắc đoàn nhà trai mang sính lễ đến hỏi cưới cô gái Hồng Chiêm ở xã Bình Ngọc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tất cả những người có mặt đều rơi nước mắt.

Ông Lý kể, đoàn nhà trai khi đó có anh trai của liệt sĩ Bùi Văn Lượng cùng họ hàng, ông Lý và một đồng đội còn sống sót trong trận chiến năm ấy, xuất phát từ Hòn Gai, TP Hạ Long, mang theo sính lễ đầy đủ.

“Lễ ăn hỏi diễn ra ngay tại ngôi nhà tình nghĩa do địa phương xây dựng để em trai Hồng Chiêm lo việc thờ cúng Hồng Chiêm. Buổi lễ rất trang trọng, ấm cúng, có cả bạn bè Hồng Chiêm cùng rất đông họ hàng, hàng xóm đến dự. Mọi người ai cũng xúc động đến trào nước mắt”, ông Lý nhớ lại.

Chiều Pò Hèn, trước lúc chia tay, nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 40 năm trước, ông Lý xúc động trải lòng: “Nếu không có anh em đã ngã xuống chở che, độ trì thì sao tôi có thể làm việc gì cũng thuận lợi đến như vậy? Thế mới nói chúng tôi hệt như chưa bao giờ âm dương cách biệt! Ngày 17/2 này tất cả chúng tôi sẽ lại được gặp nhau tại đỉnh Pò Hèn, nơi khí thiêng đã trở nên bất tử suốt 40 năm qua, sẽ ôn lại tình đồng đội, sẽ kể cho nhau những gì đã làm được và sẽ còn phải làm…”.

42 5 Le An Hoi Dam Nuoc Mat Cua 2 Liet Si Da Hy Sinh Tu Mua Xuan Nam 1979

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày giáp Tết Nguyên đán, ông Hoàng Như Lý đều sửa soạn lễ, thắp nén hương thơm tại Đài tưởng niệm Pò Hèn tưởng nhớ những đồng đội đã khuất (ảnh nhân vật cung cấp)

Theo lịch sử Đảng bộ xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Trên địa bàn huyện Hải Ninh, quân địch dùng pháo cối hạng nặng và các loại súng đại liên, trung liên bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh.

Tại Đồn 209, vào lúc 4h43’cùng ngày, địch dùng các loại hỏa lực bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đầu của đồn. Sau khoảng 30 phút bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 60 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng.

Đêm 20/2/1979, khi tình hình đã lắng xuống, lực lượng của ta mới nhanh chóng vào đồn tập kết và đưa thi hài các chiến sĩ ra ngoài.

Hải Sâm

DANTRI.COM.VN

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC