Đã 40 năm nhưng nhiều người lính năm ấy vẫn chưa thể trở về. Họ vẫn nằm lại giữa núi non hiểm trở, xương cốt lẫn với bom mìn. 4.000/11.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập. Chưa làm xong công việc này, chúng ta chưa thể an lòng.

42 1 Long Nguoi Viet Nao Dau Thich Gi Dan Bom

Ai đã sống ở thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đều thấm thía cảm giác đúng như lời một ca khúc của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối: "Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom. Ngọn nguồn đau thương trải qua đã nhiều rồi".

Nhưng khi đất nước bị quân bành trướng Trung Quốc tràn qua thì cả nước vẫn hướng về các tỉnh biên giới, sẵn sàng dốc toàn lực lượng bảo vệ biên cương dù còn khó khăn chồng chất do chiến tranh chống Mỹ vừa mới lùi xa.

Những thế hệ người Việt Nam, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi, lại lên đường. Biết bao người đã ngã xuống.

Tinh thần anh dũng, sự hi sinh đó chúng ta không được phép quên.

Năm 2016, trong một chuyến thăm lại chiến trường xưa, có chiến sĩ từng chiến đấu ở điểm cao 1509 - Vị Xuyên đã nói:

"Bên đó còn nhiều hài cốt của đồng đội đã hi sinh mà không thể quy tập được, vì có rất nhiều bom mìn chưa thể rà phá".

Câu nói của anh làm những người đi trong đoàn lặng đi. Trên bức tường lớn tại nghĩa trang Vị Xuyên có ghi tên các liệt sĩ. Lần theo địa chỉ được ghi lại thì biết các anh đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đã 40 năm qua đi nhưng nhiều người lính năm ấy vẫn chưa thể trở về. Họ từng có mặt trong các cuộc chiến đấu giành giật lại từng tấc đất của Tổ quốc. Giờ đây, khi chúng ta đang sống trong hòa bình, họ vẫn nằm lại giữa núi non hiểm trở, xương cốt lẫn với bom mìn.

Dù đã nỗ lực rất nhiều để đền ơn đáp nghĩa nhưng chúng ta thực sự vẫn còn mắc nợ những người đã hi sinh ở chiến trường ác liệt, thầm lặng và dai dẳng này.

Tính đến nay, theo số liệu của Cục chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cung cấp, đã có 7.000 hài cốt liệt sĩ ngã xuống dọc tuyến biên giới phía Bắc được quy tập, nhưng vẫn còn khoảng 4.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập.

Trong đó ở Hà Giang đã có khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ. Đó là những cố gắng của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân để đền đáp công ơn hi sinh của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu.

Nhưng hậu quả của cuộc chiến quá khốc liệt chưa cho phép chúng ta dừng lại. Chừng nào chưa làm xong công việc này, tất cả chúng ta còn chưa thể an lòng.

Sau 40 năm nhìn lại, có lẽ vẫn cần một chính sách đặc biệt hơn, một văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù, tập trung giải quyết dứt điểm về cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở biên giới phía Bắc, như chúng ta từng đã làm ở Campuchia, Lào với quân tình nguyện Việt Nam.

Đây cũng là khao khát, mong mỏi của nhiều người từng chứng kiến và thấu hiểu những mất mát hi sinh trên dải đất vùng biên giới phía Bắc.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC